Phải tăng cường sức mạnh cho cảnh sát biển

Ngày 8-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam. Hầu hết đại biểu (ĐB) tán thành dự luật với mong muốn lực lượng CSB sẽ đủ năng lực, thẩm quyền chấp pháp trên vùng biển Việt Nam…

Nâng pháp lệnh lên thành luật là cần thiết

Tại nghị trường, phần lớn ĐBQH cho rằng rất cần nâng pháp lệnh lên thành Luật CSB cho phù hợp với điều kiện thực tế trên biển hiện nay.

ĐB Phạm Đình Cúc nhận định tình hình trên biển đã “rất cấp bách”. Với diện tích trên 1 triệu km2, vùng biển nước ta có vị trí chiến lược rất quan trọng nhưng lại là vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới. “Đặc biệt sau các vụ giàn khoan HD 981 (năm 2014), HD 760 (năm 2017), các vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn trên biển càng làm tình hình thêm phức tạp” - ông nói. Vì vậy, ông cho rằng nhiệm vụ của CSB ngày càng nặng nề, cần cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng này có đủ thẩm quyền thực thi nhiệm vụ trên biển.

Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng chúng ta cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về thẩm quyền CSB. “Nước ngoài tăng cường diễn tập, hoạt động chấp pháp, nghiên cứu tôn tạo đảo, sử dụng tàu công vụ tổ chức xua đuổi, ngăn cản, thậm chí sử dụng biện pháp cứng rắn làm tổn thất tài sản, gây thương vong cho ngư dân... Cùng với đó là hoạt động tội phạm vi phạm pháp luật trên biển như cải hoán tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản... có chiều hướng gia tăng, vì vậy cần hoàn thiện, nâng chất lực lượng CSB” - ông nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Ảnh: TP

Cảnh sát biển có là lực lượng vũ trang?

Một trong những nội dung được các ĐB tranh luận nhiều khi bàn về dự luật là không nên coi CSB là lực lượng vũ trang vì dễ gây hiểu là Việt Nam sử dụng lực lượng vũ trang trong giải quyết các tranh chấp trên biển về kinh tế, môi trường hay lĩnh vực dân sự.

Đại diện cho luồng ý kiến này, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nói: “Nếu chúng ta ghi trong luật lực lượng CSB là lực lượng vũ trang nhân dân thì rất nhạy cảm. Vì hiện nay trên thế giới nhiều nước có lực lượng giống chúng ta với tên gọi khác nhau nhưng họ không để trực thuộc Bộ Quốc phòng”.

Tranh luận với ý kiến này, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng (Phó Chính ủy Quân khu 7) cho hay CSB là một trong những cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc lực lượng vũ trang. Cụ thể, CSB là lực lượng tác chiến trên biển, giống như cơ quan cảnh sát tác chiến trên nội địa. “Hiện nay tình hình vùng biển của chúng ta diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Nếu không tăng cường sức mạnh và phương tiện, trang bị, quản lý vùng biển trong đó có CSB thì rõ ràng chúng ta đánh mất vai trò của lực lượng này nếu không xác định là lực lượng vũ trang” - Thiếu tướng Hoàng nói.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch QH, nêu quan điểm: “CSB tương tự biên phòng của ta trên đất liền, cũng một anh làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển và một anh làm chấp pháp trên đất liền. Nó liên quan đến phòng thủ đất nước”. Theo đó, ông cho rằng “biên phòng từ xưa đến nay đã là lực lượng vũ trang rồi thì CSB không lý gì không xác định là lực lượng vũ trang”.

Giải trình trước QH về nội dung này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho hay quy định vị trí, chức năng của CSB như trong dự thảo nhằm xây dựng lực lượng vũ trang nòng cốt là hải quân, không quân, CSB, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển.

Về tổ chức, dự luật quy định CSB đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ và quản lý điều hành trực tiếp của bộ trưởng Bộ Quốc phòng. “Thực tiễn 20 năm qua, CSB Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bằng các biện pháp mang tính dân sự, hòa bình là chủ yếu, như pháp luật, ngoại giao, tuyên truyền vận động, áp dụng biện pháp nghiệp vụ tương đồng với vị trí, chức năng của CSB các quốc gia khác…” - Bộ trưởng Quốc phòng nói.

Phân bón giả làm bần cùng nông dân

Chiều 8-6, các ĐB thảo luận tại hội trường về Luật Trồng trọt. Nhiều ĐB kiến nghị bổ sung các quy định để xóa chuyện được mùa mất giá và tình trạng phân bón giả.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhận định tình trạng phân bón giả, kém chất lượng là vấn đề nhức nhối nhất trong nông nghiệp thời gian qua. Phân bón giả đang làm thoái hóa hết đất đai, nông dân bần cùng hóa.

Hiện có khoảng 6.150 tên phân bón lưu hành trên thị trường, việc quản lý chất lượng rất phức tạp nên quản lý về nguồn gốc, chất lượng, sản lượng là cấp bách. Đồng thời, gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc để xảy ra tình trạng phân bón giả.

Các ĐB đề nghị quy trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc định hướng sản xuất, thông tin thị trường… vì tình trạng được mùa mất giá diễn ra thường xuyên; bổ sung quy định về quản lý chất lượng đối với sản phẩm trồng trọt cho các mục đích sử dụng khác như làm dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi…

Giải trình các ý kiến, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận: “Tình trạng phân bón đang là vấn đề thách thức… Tôi rất đồng tình với các ĐB là phải quy định lại cho thật chặt chẽ…”. Ông cũng cho hay việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật đang tồn tại nhiều vấn đề cần tháo gỡ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới