. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về lời hứa của các bộ trưởng và liệu các lời hứa có được thực hiện?
+ ĐB Hồ Trọng Ngũ: Do ảnh hưởng đến lá phiếu tín nhiệm của các bộ trưởng, cho nên các lời hứa của các bộ trưởng đều được tính toán một cách căn cơ. Tôi tin là các lời hứa mà các bộ trưởng đưa ra sau chất sẽ thực hiện được. Tuy nhiên cũng có những vấn đề đại biểu đặt ra quá hóc búa và nó đột xuất quá thì các vị bộ trưởng cũng cân nhắc, chưa có thời gian tính toán kỹ để thực hiện khả thi. Cho nên sẽ có những vấn đề không dễ dàng thực hiện. Nhưng tôi tin là các bộ trưởng sẽ phải cố gắng thôi.
ĐB Hồ Trọng Ngũ (phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội) trả lời báo chí. LÊ PHI
. Sau các phần chất vấn, cần rút ra điều gì để các phiên chất vấn lần sau đạt kết quả tốt hơn?
+ Chúng ta cần phải liên tục rút kinh nghiệm. Nhưng thực sự có những vấn đề rút kinh nghiệm rồi nhưng không dễ dàng gì thực hiện được. Bởi thứ nhất là sức ép từ cử tri đặt ra rất nhiều trong khi thời gian định lượng cho chất vấn khá ít. Chính vì thế nên việc điều hành chất vấn của đoàn chủ tọa chưa được các ĐBQH thỏa mãn ngay. Việc chất vấn và trả lời chất vấn còn bị sức ép về thời gian, số lượng câu hỏi. Khi đặt câu hỏi thì các ĐB cũng muốn gửi gắm thông tin, tâm tư của cử tri còn nếu nói ngắn quá thì không phải cử tri nào cũng hiểu được là những ý kiến của mình đã được gửi gắm ở đấy. Và các ĐB cũng thấy chưa làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri. Vì vậy ép các ĐB đặt câu hỏi trong một thời gian rất ngắn thì có khi sẽ bị lỗi trong việc xử lý, chưa chuyển tải hết thông tin.
. Trong phiên chất vấn vừa qua, có ĐB “đòi nợ” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (Bộ Công thương) về việc thực hiện lời hứa 3 năm trước nhưng đến nay hành tím vẫn cứ được mùa thì mất giá? Ông đánh giá như thế nào?
+ Các bộ trưởng phải cố gắng thực hiện các lời hứa của mình trước Quốc hội vì đó là uy tín của các bộ trưởng. Tuy nhiên không phải lời hứa nào cũng thực hiện được ngay. Bởi vì có những lời hứa do những yếu tố khách quan nó đột ngột xảy đến trong năm ấy, nó hoàn toàn khách quan không phụ thuộc vào khả năng chủ quan của bộ trưởng, của ngành đấy thì cũng có thể là không thực hiện được.
Điều đáng nói ở đây là sự phối hợp giữa các bộ ngành phải cung cấp thông tin cho cử tri, cho ĐB đầy đủ. Để cử tri biết trước chia sẽ với Chính phủ và các bộ.
. Ông có nghĩ cần phải tăng cường hơn nữa việc tranh luận trong chất vấn và trả lời chất vấn. Thậm chí, có những vấn đề chưa được trả lời thỏa đáng thì tiếp tục tranh luận để làm rõ?
+ Tôi cũng đồng ý với bạn điều đấy. Đấy cũng là điều khá lý thú và quan trọng trong việc thực hiện kỹ thuật chất vấn. Tuy nhiên, khắc phục vấn đề này rất là khó, vì thời gian định lượng rồi nên ĐB bấm nút đăng ký đó là quyền của các ĐB. Nếu một ĐB mà chất vấn, tranh luận nhiều quá thì mất quyền của ĐB khác vì thời gian đã ấn định trước. Còn nếu nêu cho đầy đủ các khía cạnh của vấn đề thì sẽ vô cùng tận, cần thời gian rất nhiều. Thậm chí, các ĐB gắn bó với cử tri, có nhiều thông tin thì có khi tranh luận với bộ trưởng cả ngày không hết một vấn đề. Bởi nó phải đi từng khía cạnh một, chuyển tải ý của cử tri.
. Như vậy, có những vấn đề được xem là nhỏ nhưng liên quan rất lớn đến người dân sẽ không thể được làm rõ?
+ Chúng ta chỉ chất vấn những vấn đề vĩ mô. Các bộ trưởng chỉ có thể giải quyết các vấn đề vĩ mô còn nếu hỏi ngược lại các vấn đề tiểu tiết thì không bộ trưởng nào có thể nắm hết được đâu. Cho nên phải định lượng thời gian tương đối để đưa ra các câu hỏi. Chứ thảo luận về các tiểu tiết thì cả ngày cũng không hết được.
. Cảm ơn ông!