Đoàn liên ngành Công an, Liên đoàn lao động, Thanh tra, Lao động thương binh xã hội, Cục thuế, Bảo hiểm xã hội vừa có báo cáo về công tác phối hợp 6 tháng đầu năm thực hiện cơ chế phối hợp đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động (NLĐ) về các chế độ bảo hiểm tại TP Hà Nội.
Các quy định về tội trốn đóng BHXH. Nguồn BHXH.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, đoàn liên ngành đã thực hiện 2.119 cuộc thanh tra, kiểm tra, với tổng số tiền nợ 397,1 tỉ đồng, thu hồi trên 218 tỉ đồng (đạt 49,5%).
Qua kiểm tra, đoàn cũng nhận thấy 100% các thủ tục hành chính được tiếp nhận thông qua hệ thống một cửa điện tử. Đến tháng 6-2019, có trên 97,3% các đơn vị tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử.
Tuy nhiên, đoàn liên ngành khẳng định còn nhiều đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Đồng thời, nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ còn hạn chế, có tình trạng thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia…
Bên cạnh đó, nhiều đại lý thu hoạt động chưa thực sự hiệu quả do nhân viên đại lý thu đa số phải kiêm nhiệm. Tuy được BHXH TP đào tạo, tập huấn cập nhật hàng năm nhưng có đại lý chưa nắm chắc về chính sách BHXH, BHYT, thậm chí còn làm sai quy trình.
Để hạn chế việc nợ đọng, đoàn liên ngành đề nghị Công an TP chỉ đạo các đơn vị quận, huyện tiếp nhận hồ sơ các đơn vị, doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN do cơ quan BHXH chuyển để điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, đề nghị Công an, VKSND, TAND TP Hà Nội xem xét, xử lý hình sự đối với những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm theo quy định của BLHS 2015.
Đặc biệt, đoàn liên ngành đề nghị Cục Thuế Hà Nội khi thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế cần kiểm tra các doanh nghiệp khai báo đã đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ để đưa vào chi phí hợp lý giảm trừ thuế nhưng thực tế chưa đóng BHXH, BHYT, BHTN.