Phạm Công Danh: Nhà đầu tư nước ngoài 'dòm ngó' SVĐ Chi Lăng

Ngày 26-7, phiên xử đại án Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank) cùng 44 đồng phạm cố ý làm trái gây thiệt hại 6.000 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) (đại án VNCB giai đoạn 2) tiếp tục với phần xét hỏi.

HĐXX chỉ xét hỏi những vấn đề được HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung hồi tháng 2. Trước đó, VKS cho biết tại tòa các yêu cầu nêu trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của HĐXX đối với vụ án này đã được điều tra làm rõ. 

Đáng chú ý là trong quá trình xét hỏi và tranh tụng trước đó, bị cáo Trầm Bê và Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên tổng giám đốc Sacombank) cho rằng việc cho Phạm Công Danh vay ở ba ngân hàng là Sacombank, BIDV, TPBank nhưng chỉ có các bị cáo là lãnh đạo của Sacombank bị truy tố?

Bị cáo Trầm Bê có gặp ông Danh để bàn bạc về vụ vay tiền nhưng việc này đúng quy định của ngân hàng và quy định của Nhà nước về các khoản vay lớn. Quá trình cho vay có sai sót nghiệp vụ nhưng Trầm Bê và Phan Huy Khang khẳng định không biết mục đích thực sự của ông Danh khi giới thiệu các công ty để vay tiền. Trầm Bê không phục cáo buộc của VKS.

Về vấn đề này, tài liệu điều tra và kết quả xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa đã xác định rõ, Trầm Bê, Phan Huy Khang trực tiếp bàn bạc thống nhất cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng. Nhưng yêu cầu ông Danh dùng tiền của VNCB để bảo đảm khoản vay, sau đó chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc cho vay. 

Khi thực hiện việc cho vay, các bị cáo biết rõ ông Danh là chủ tịch VNCB, là đối tượng không được phép dùng tiền của VNCB đến tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho mình theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2010. Các bị cáo đã cố tình bỏ qua các quy định bắt buộc phải làm với mục đích thu được tiền lợi nhuận từ các khoản tiền gửi của VNCB. 

 Hành vi của các bị cáo đã giúp sức cho ông Danh thực hiện hành vi phạm tội nên phải chịu trách nhiệm. Đối với các lãnh đạo của TPBank và BIDV, tài liệu điều tra đã chứng minh rõ các đối tượng bị đề nghị điều tra có hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay nhưng chưa đủ căn cứ xác định hành vi đồng phạm với ông Danh.

Trả lời HĐXX, hai bị cáo Bê và Khang đều giữ nguyên lời khai như phiên xử trước rằng có một số sai phạm nhưng không cố ý giúp sức tích cực cho ông Danh, gây thiệt hại cho VNCB.

Liên quan đến nội dung làm rõ 4.500 tỉ đồng Danh dùng nâng vốn điều lệ cho VNCB nhưng không được NHNN đồng ý nay thế nào. Kết quả điều tra bổ sung, VKS cho là trong giai đoạn từ ngày 14-2-2014 đến 26-7-2014, VNCB chi trên 76.800 tỉ đồng tiền mặt, tiền gửi tại NHNN, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác (trong đó bao gồm 4.500 tỉ đồng) và thu tổng cộng hơn 69.200 tỉ đồng, như vậy là chênh lệch giảm hơn 7.614 tỉ đồng...

Theo cơ quan tố tụng, kết quả điều tra cho thấy số tiền 4.500 tỉ chưa được hạch toán theo quy định để tăng vốn điều lệ cho VNCB, không xác định được rõ số tiền này sử dụng vào mục đích gì, tại thời điểm khởi tố vụ án không có số tiền này và đến nay xác định số tiền này không còn trên tài khoản của VNCB cũng như CB (là ngân hàng hiện tại được mua lại VNCB giá 0 đồng).

Lý giải, Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) nói tại tòa: “Hồ sơ vụ án đã liệt kê rõ lý do có sự chênh lệch này trong bảy danh mục và đều thể hiện việc chi hơn 7.614 tỉ đồng vì các mục đích hợp pháp của ngân hàng và bắt buộc phải chi trả, không làm thay đổi tổng tài sản của ngân hàng và đến nay CB đều thụ hưởng các lợi ích từ sự chi trả này".  

"Xét về mặt nguyên tắc, khoản 4.500 tỉ tăng vốn điều lệ trở thành nợ phải trả khi không được phép tăng vốn. Bị cáo cũng đồng ý không bóc tách được nguồn tiền này nhưng biết nguồn tiền đi đâu" - ông Mai trình bày.

Bị cáo Phan Thành Mai.

Còn bị cáo Danh xin HĐXX không đưa tài sản của ông là SVĐ Chi Lăng tại Đà Nẵng vào thi hành án vụ “đại án VNCB giai đoạn 1”, nên tách tài sản này ra để ông tự giải quyết bằng việc dân sự. Ông Danh xin HĐXX cho cơ chế được làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn được hợp tác, cùng khai thác SVĐ Chi Lăng.

Bị cáo Danh nhấn mạnh: “Thông qua việc hợp tác, khai thác này, số tiền có được tôi khẳng định dư để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án”.

Tại phiên xử, đại diện VKS yêu cầu xét hỏi ông Phạm Công Trung (em trai ông Danh). Tuy nhiên, phiên tòa sáng 26-7 này ông Trung xin vắng mặt nên VKS cho biết sẽ tạm dừng xét hỏi và sẽ tiếp tục xét hỏi sau.

Ông Phạm Công Danh đau đáu với việc xử lý tài sản sân vận động Chi Lăng.

Phần bị cáo Mai cũng đồng tình với quan điểm của VKSND Tối cao đề nghị thu hồi hơn 6.126 tỉ đồng từ ba ngân hàng BIDV, TPBank, Sacombank để trả lại cho CB Bank.

Theo ông Mai, đây là giai đoạn cuối cùng của đại án VNCB nên nếu đã gọi là thu hồi nguồn tiền bất hợp pháp thì HĐXX nên thu hồi những khoản tiền được đề cập ở giai đoạn 1 nhưng chưa được xét hoặc bản án giai đoạn 1 ghi nhận sẽ xem xét trong giai đoạn 2 để khắc phục hậu quả trong đại án VNCB nói chung.

Đây mới gọi là thu hồi vật chứng đến cuối cùng, gồm có hơn 3.600 tỉ đồng ông Danh chuyển tiền vào VNCB để nhận một số bất động sản của Hứa Thị Phấn nhưng đến nay không nhận được...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm