Sáng 6-11, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các báo cáo tư pháp.
Liên quan đến công tác thi hành án phạt tù, Ủy ban Tư pháp đánh giá năm 2017, công tác này ”có nhiều chuyển biến tích cực”. Đáng chú ý, các cơ sở giam giữ không để xảy ra vụ việc phạm nhân gây rối; số người trốn thi hành án phạt tù, số vụ phạm nhân trốn, số phạm nhân phạm tội mới trong trại giam giảm...
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: "Đề nghị Chính phủ công khai trước Quốc hội những UBND, chủ tịch UBND chậm trễ hoặc không thi hành bản án hành chính của tòa án và làm rõ trách nhiệm trong từng trường hợp cụ thể”.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, tình trạng chậm trễ trong quá trình xác minh, hoàn tất thủ tục hồ sơ để áp giải thi hành án vẫn còn tồn tại. Số người trốn thi hành án vẫn còn hơn 1.000 trường hợp và kết quả truy bắt người trốn thi hành án thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016. Công tác kiểm soát an ninh ở các trại giam vẫn còn những bất cập, cá biệt có trường hợp phạm nhân đang chấp hành án vẫn sử dụng điện thoại, Facebook điều hành nhóm xã hội đen ở địa phương hoặc có trường hợp phạm nhân giết người ngay tại khu vực thăm gặp thân nhân ở trại giam.
Báo cáo thẩm tra dẫn chứng vụ phạm nhân Phạm Văn Bảo đang chấp hành án tại trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) dùng điện thoại, mạng xã hội (Facebook) điều hành nhóm xã hội đen, đe dọa một số người dân tại địa phương... Hay trường hợp phạm nhân Nhữ Văn Đực dùng dao (do vợ mang vào) giết vợ tại buồng thăm gặp trong trại giam Thủ Đức.
Liên quan đến công tác thi hành án hành chính, theo thống kê từ cơ quan chức năng, các cơ quan thi hành án dân sự đã tiếp nhận 361 bản án, quyết định hành chính có nội dung yêu cầu theo dõi việc thi hành.
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá, nhìn chung, số vụ việc thi hành xong đạt tỉ lệ thấp, còn 85 việc chưa thi hành được, trong đó có 50 việc mà người phải thi hành án là UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Ủy ban Tư pháp cho rằng đối tượng phải thi hành án hành chính chủ yếu là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của Nhà nước, đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm.
Chính phủ cần làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời cần tiếp tục có biện pháp bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án, quyết định hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
”Đề nghị Chính phủ công khai trước Quốc hội những UBND, chủ tịch UBND chậm trễ hoặc không thi hành bản án hành chính của tòa án và làm rõ trách nhiệm trong từng trường hợp cụ thể” - bà Nga cũng nhấn mạnh thêm.