Trong ngày giỗ của Phạm Xuân Ẩn đã diễn ra một lễ gắn tấm biển đồng ghi nhớ hoạt động tình báo của ông tại khách sạn Continental Sài Gòn cùng buổi tiệc mang tên “Yesterday never die - Ngày hôm qua không bao giờ chết”. Chuỗi sự kiện về Phạm Xuân Ẩn để lại trong tim, khối óc mọi người không phải là những chiến công to lớn của ông mà lòng người rưng rưng nhớ về ông bởi một nhân cách vô cùng bình dị nhưng lại khiến bao người ngưỡng mộ.
Mưa… ấm lòng người
Trời cứ hết mưa to rồi đến mưa rả rích nhưng bác Mười Hương (Trần Quốc Hương - nguyên Bí thư BCH Trung ương Đảng, chỉ huy mạng lưới tình báo chiến lược) nay đã 92 tuổi, cô Tám Thảo (liên lạc của Phạm Xuân Ẩn) cũng đã ở tuổi 85… vẫn cương quyết đến viếng mộ người đồng đội tài ba, thương mến của mình. Mưa vẫn cứ nhẹ hạt rơi nhưng khói hương vẫn nồng ấm trên mộ vị tướng tình báo chiến lược với những người bạn chiến đấu xa xưa vây quanh. Không khí càng ấm áp hơn khi ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty sáng tạo Trí Việt - First News đốt trên mộ vị tướng quyển sách Điệp viên hoàn hảo X6 do giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman viết về ông mà sinh thời ông chưa từng đọc. Là một người vốn tin nhiều vào chuyện tâm linh khi còn sống, hẳn hôm nay Phạm Xuân Ẩn sẽ rất vui khi nhận được quyển sách bằng đường tâm linh như thế này.
Lễ gắn bảng ghi nhớ hoạt động tình báo của Phạm Xuân Ẩn tại khách sạn Continental Sài Gòn do các cấp trên và đồng đội cụm tình báo H63 của ông tháo băng đỏ.
Trong làn mưa bay, tiếng guitar, tiếng hát của những người lính, những văn công quân đội, những nhà văn thế hệ sau ông… vốn hâm mộ ông mà theo đoàn cùng đến; rồi những bó hoa, nén nhang của những người trẻ cũng tự tìm đến vì ngưỡng mộ ông cứ lan tỏa xôn xao cả một vùng nghĩa trang lặng lẽ. Trên bia mộ, ảnh của Phạm Xuân Ẩn mãi nở một nụ cười tươi tắn, tinh nghịch chứa đựng muôn phần nghĩ suy khó đoán như lúc ông còn sống vậy. Làm bạn cùng ông bên ngôi mộ của mình vẫn là một chú gà chọi, một chú chó berger, một chú cá, chỉ có khác là bằng sành sứ. Ngôi mộ của ông im lìm dưới cơn mưa nhưng lại gợi nhớ sống động tinh thần, triết lý sống mạnh mẽ của vị tướng tình báo huyền thoại: Chim tượng trưng cho tự do dù cả đời ông sống ràng buộc với trách nhiệm làm tình báo; cá luôn luôn im lặng, không bao giờ mở miệng là tính cách phải có của một điệp viên giỏi; và chó là sự trung thành tuyệt đối với nhiệm vụ, với tổ chức. Tinh thần và triết lý sống, nhân cách sống trọng vẹn với sự nghiệp tình báo chiến lược, với bạn bè, người thân đó ở Phạm Xuân Ẩn đã khiến người của cả hai bên chiến tuyến lẫn công chúng, hậu sinh về sau đều phải cúi đầu.
Những điều còn mãi
Trong làn mưa nhẹ rơi, những người đồng đội với Phạm Xuân Ẩn đã rời mộ ông tại nghĩa trang TP.HCM ở Thủ Đức để về khách sạn Continental ở ngay trung tâm đường Đồng Khởi, quận 1, Sài Gòn để làm lễ gắn tấm biển đồng ghi nhớ hoạt động tình báo của ông trong một buổi tiệc mang tên “Yesterday never die - Ngày hôm qua không bao giờ chết”. Tấm biển sẽ được đặt ở căn phòng số 307 của khách sạn, vốn là văn phòng của tạp chí Time tại Việt Nam từ trước năm 1975 cho đến tận năm 1976, khi Time được yêu cầu rời khỏi Việt Nam. Đây cũng là nơi diễn ra những hoạt động tình báo chính yếu của Phạm Xuân Ẩn mà như lời ông Tư Cang - cụm trưởng cụm tình báo H63: “Tôi hay ngồi xe của Ẩn đi cùng anh vô khách sạn Continental. Mỗi lần đi vô thường nghe mấy thằng Mỹ trên lầu kêu xuống “Ẩn, Ẩn!”, bị tụi nó biết Ẩn am tường chính trị, hay nói chuyện gợi mở đường hướng tin tức, hoạt động cho tụi nó. Những lúc như vậy tôi theo ảnh lên lầu uống cà phê, nói chuyện với mấy thằng Mỹ. Ẩn đâu có ghi chép vì sợ tụi nó nghi, lúc đó tôi ngồi kế bên, ráng nhớ về để ghi chép lại làm báo cáo gửi đi”. Trong không khí bồi hồi khi ký ức xưa sống lại, ông Tư Cang đã run run đọc bài thơ mà ông đã làm tiễn bạn trong phút ra đi vĩnh viễn: “Chim ngưng hót, chó tru buồn/ Nền trời ảm đạm giọt mưa tuôn/ Tôi đến tiễn anh lòng nặng trĩu/ Nhớ đoạn đời qua giữa Sài Gòn…”.
Bác Mười Hương (người đội nón) - người đưa Phạm Xuân Ẩn đi Mỹ học và hướng ông vào hoạt động tình báo - tuổi già, sức yếu vẫn đến thắp nhang cho người học trò xuất sắc của mình.
Từ nước Mỹ, GS sử học Larry Berman cũng đã lên mạng, qua màn hình để xúc động nói về Phạm Xuân Ẩn cũng như trò chuyện với những cựu tình báo H63. Vị giáo sư này nhắc mãi những tình cảm về Phạm Xuân Ẩn - một người ông vô cùng cảm mến và khâm phục dù ông là người Mỹ, là quốc gia phía bên kia chiến tuyến mà có thời Phạm Xuân Ẩn đã hoạt động tình báo để đánh bại. Tình cảm với vị tướng tình báo đã qua đời nhiều đến mức bất kể vào lúc nào, khi nào, có dịp bày tỏ là ông mãi nói lời cảm ơn những đồng đội của Phạm Xuân Ẩn đã hết lòng bảo vệ điệp viên hoàn hảo này. Nghĩa tình đồng đội thiêng liêng này cũng là điều nhớ mãi, còn mãi trong lòng Larry Berman. Và trong cõi lòng vị giáo sư còn khắc ghi lòng biết ơn chân thành trong tim Phạm Xuân Ẩn khi vị tướng tình báo từng nhắc hoài về người trút hết tâm huyết viết câu chuyện thật cho cuộc đời mình.
Một nhân cách đi vào lòng người Đến dự buổi tiệc “Yesterday never die - Ngày hôm qua không bao giờ chết” không chỉ có những đồng đội cũ với tướng tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn mà còn có nhiều người ngưỡng mộ, yêu quý nhà tình báo huyền thoại này như doanh nhân - Thị trưởng thị trấn PhinDeli Phạm Đình Nguyên - người đã mua một thị trấn ở Mỹ, doanh nhân Lý Ngọc Minh - chủ doanh nghiệp Gốm sứ Minh Long… Ông Lý Ngọc Minh ở cái tuổi 60 đã đứng lên phát biểu rất trân trọng, chân thành về Phạm Xuân Ẩn: “Tôi rất yêu mến, ngưỡng mộ ông Phạm Xuân Ẩn. Tôi đã đọc quyển sách GS Larry Berman viết về ông ở cả hai lần xuất bản và tôi nhìn thấy ở Phạm Xuân Ẩn một nhân cách vô cùng đáng thán phục. Ông cho tôi một bài học làm người, một bài học đối nhân xử thế, ứng xử, quan hệ quá thành công, quá tuyệt vời. Thế giới này chắc không một người tình báo nào làm được như ông, chỉ có một. Có ai làm tình báo, phản gián mà làm cho cả hai bên không oán hận nhau mà thêm hiểu nhau, xích lại gần nhau như ông. Ngay đến lúc chết, cái chết của ông cũng đem lại những tình cảm hóa giải khiến người của hai bên xích lại gần nhau, từ thù thành bạn như GS Larry Berman, một người Mỹ mà đã đến Việt Nam viết sách về ông Ẩn và những người làm tình báo Việt Nam với sự yêu mến, tôn trọng, hiểu biết. Tôi thấy mình phải học rất nhiều về Phạm Xuân Ẩn ở một tư chất thông minh, tài năng và một nhân cách đáng kính trọng”. |
HÒA BÌNH