Phản biện xã hội lần 2: Vẫn băn khoăn giá đất

(PLO)- Theo các chuyên gia, đất đai vừa là lãnh thổ vừa là nguồn lực. Nhà nước thay mặt nhân dân sở hữu đất đai nhưng nguồn lực đất đai phải được định giá rõ ràng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội (lần hai) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự luật này vừa được hoàn thiện sau khi tiếp thu hơn 12 triệu ý kiến của nhân dân đóng góp.

Vai trò của chủ tịch UBND quá lớn

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng khoa Pháp luật kinh tế Trường ĐH Luật Hà Nội, khi góp ý về “giá đất” đã nhận định: Chỉ có năm điều luật đề cập nhưng phạm vi tác động vô cùng rộng. Vấn đề lớn nhất là thu hồi đất nhưng vấn đề này dễ điều chỉnh. Vấn đề giá đất lại phức tạp nhất, lợi ích nhóm, tham nhũng xuất phát từ đây.

Hội nghị phản biện xã hội (lần hai) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: MT
Hội nghị phản biện xã hội (lần hai) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: MT

Chỉ thu hồi đất với

mục đích vì lợi ích quốc gia

Các trường hợp khác, thay vì thu hồi thì trưng mua theo thị trường và có thưởng. Việc thu hồi, bồi thường càng cách xa nguyên lý thị trường thì xung đột càng gay gắt hơn. Đặc biệt tới đây, khu công nghiệp, khu công cộng, đô thị tăng lên mà không làm rõ các vấn đề về giá, thuế thì xung đột không giải quyết được.

Luật Đất đai được sửa nhiều nhất vì muốn giải quyết xung đột. Tuy nhiên, cách tiếp cận chưa đi vào căn bản. Đây là cơ hội sửa Luật Đất đai vì lợi ích quốc gia nên phải tiếp cận ở tâm thế thời đại.

PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN,

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế củaỦy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Theo bà Nga, “vai trò của chủ tịch UBND trong định giá đất quá lớn, không độc lập giữa tổ chức tư vấn, hội đồng thẩm định giá và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất”.

Bà Nga cho rằng cần có khung giá của Chính phủ (bằng một nghị quyết) vì bà “thực sự lo lắng cho chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc xây dựng bảng giá đất”. Sau khi phân tích thêm, bà Nga cho rằng không có “bóng dáng của các cơ quan trung ương trong việc xây dựng tiêu chí, giám sát và thẩm định giá đất.

GS Nguyễn Đăng Dung, khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội, đồng ý việc bỏ khung giá đất nhưng băn khoăn việc dồn công tác định giá đất xuống cấp tỉnh.

GS Dung nói: “Đất đâu có ở trung ương, đất nằm ở tỉnh. Các vụ tham nhũng đất đai xảy ra ở tỉnh nhiều. Bây giờ dồn cho tỉnh quyết định bảng giá đất nữa thì có giảm được tham nhũng không?”.

TS Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa minh định được cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Các nghị quyết của Trung ương về đất đai đã nói giá đất xác định theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đặc biệt, Nghị quyết 18/2021 của Trung ương xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường nhưng dự thảo luật không làm rõ.

Về nguyên tắc và phương pháp xác định giá đất, TS Phúc cho rằng “giao Chính phủ quy định phương pháp xác định giá theo nguyên tắc thị trường nhưng Quốc hội phải ràng buộc trong luật một cách khoa học, minh bạch và có thể kiểm chứng được”.

Đất đai là nguồn lực, phải được định giá rõ ràng

PGS-TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nói rằng ông cảm thấy các quy định trong dự thảo chưa giải quyết được các vấn đề.

Theo ông Thiên, nếu chỉ tập trung vào các điều khoản cụ thể thì các vấn đề về đất đai khó được giải quyết. Cần có cách tiếp cận tổng thể, từ xung đột lợi ích thì mới có phương pháp khả thi.

“Điều đầu tiên luật phải định nghĩa những điều rất cơ bản như sở hữu đất đai là gì, sở hữu toàn dân là gì; đặc biệt là trong điều kiện kinh tế thị trường. Không định nghĩa thì làm sao các chủ thể xác định được quyền và nghĩa vụ của mình” - ông Thiên nói.

Theo ông Thiên, đất đai vừa là lãnh thổ vừa là nguồn lực. Nhà nước thay mặt nhân dân sở hữu đất đai nhưng nguồn lực đất đai phải được định giá rõ ràng. Quyền tài sản cũng phải hết sức rõ ràng với tư cách đất đai là nguồn lực.

“Lãnh thổ lẫn lộn với nguồn lực là không được” - ông Thiên nói.

Ông Thiên cho rằng cần đầu tư vào việc giải thích rõ ràng các từ ngữ, chẳng hạn như giá đất, giá trị quyền sử dụng đất.

“Giá đất là cung cầu, giá đất cơ bản là tương lai. Bồi thường thiệt hại toàn là quá khứ nên mới nhiều mâu thuẫn. Giá đất rất khác thường chứ không thể bình thường được. Không giải quyết được thì tất cả xung đột lợi ích vẫn như vậy” - ông Thiên nhận xét.

Giá đất bị chi phối bởi nhiều yếu tố nên Nhà nước “thường xuyên thất bại khi muốn định giá đất thị trường”. Ông Thiên đề nghị giá đất phải dựa trên nền tảng lãi suất, địa tô và nhất là “đừng hoảng sợ với giá đất”.

Cần bổ sung trách nhiệm của MTTQ Việt Nam

GS-TS Trần Ngọc Đường
GS-TS Trần Ngọc Đường

Do tính chất của thu hồi đất, trưng dụng đất có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tôi đề nghị chương VI và chương IX cần bổ sung một điều quy định về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp trong giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thu hồi, trưng dụng đất và việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất cũng như trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bị nhân dân không đồng tình, khiếu kiện.

GS-TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ

và pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm