Điều dân mong mỏi nhất khi sửa Luật Đất đai

(PLO)- Bản dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần minh định thật rõ ràng, cụ thể các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại một cuộc họp gần đây về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết cơ quan soạn thảo sẽ sửa đổi toàn bộ quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; điều chỉnh để việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất được dân chủ, khách quan, công bằng, công khai…

Chưa rõ bản dự thảo tới đây sẽ thêm, bớt nội dung cụ thể nào nhưng hãy cùng xem chuyện gì đã và đang xảy ra từ ý kiến nêu trên của phó thủ tướng.

Rất đáng chú ý là trong hơn 11 triệu lượt góp ý dự luật của đông đảo người dân tổ chức vào thời gian qua thì số ý kiến về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm tỉ lệ cao nhất; số ý kiến về thu hồi đất, trưng dụng đất xếp thứ ba.

Thứ hạng này tương đồng với số lượng khiếu nại về đất đai luôn khá cao ở các năm. Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho biết nếu trước khi có Luật Đất đai 2013 tỉ lệ khiếu nại đó là 79% thì từ năm 2014 đến 2018 là 69%. Nội dung khiếu nại của người dân chủ yếu tập trung vào giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Với vai trò đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Nhà nước có nhiều lý do luật định để thu hồi đất đai mà người dân chỉ được trao quyền sử dụng. Đồng thời với thu hồi đất là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà theo những “con số biết nói” kể trên thì rõ ràng là còn quá nhiều điều đáng suy nghĩ. Bởi vậy mà dù chính quyền thường cam kết “người bị thu hồi đất sẽ có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” (nhưng như thế nào là “tốt hơn” lại không có tiêu chí cụ thể) thì đối với số đông người dân, bị thu hồi đất luôn là chuyện không may, chẳng đặng đừng vì đi kèm theo đó là những mất mát, xáo trộn không dễ bù đắp, khắc phục.

Từ thực tế này cần phải xem xét thật kỹ lưỡng các trường hợp Nhà nước được quyền thu hồi đất. Có một điều chỉnh mà nhiều người không rõ tại sao, đó là bản dự thảo được đưa ra lấy ý kiến đã tăng thêm các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó có dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại, dự án khu dân cư nông thôn, tức cũng là ba loại dự án mà các doanh nghiệp đang được quyền thương lượng với người dân để có đất làm dự án.

Hóa ra cùng loại dự án kinh doanh mà lúc thì người dân chỉ được Nhà nước bồi thường theo giá ấn định, lúc được doanh nghiệp thanh toán sòng phẳng theo giá thuận mua vừa bán hay sao!?

Liên quan đến giá bồi thường đất, trước giờ người dân hay nghĩ rằng cứ Nhà nước bồi thường thì giá thấp, còn doanh nghiệp bồi thường thì là giá thị trường; trong khi đó, theo Luật Đất đai, giá bồi thường đất đó cũng căn cứ vào giá thị trường.

Điều đáng nói nữa, Nhà nước đâu chỉ có mỗi giá bồi thường đất cách khá xa với giá thương lượng của doanh nghiệp. Còn một bảng giá đất thấp hơn giá bồi thường được Nhà nước đề ra để thu thuế, tiền sử dụng đất… cũng được Nhà nước cho là giá thị trường (!?).

Để rồi trước hai loại giá thị trường đầy bất ổn này, TP.HCM đã phải ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính theo khu vực để có đơn giá cao hàng chục lần áp dụng cho một số khoản thu nghĩa vụ tài chính (đối với diện tích đất ngoài hạn mức, giá khởi điểm khi đấu giá đất...). UBND TP.HCM cũng đã ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gửi lấy ý kiến người dân có đất thu hồi.

Rốt cuộc, hai loại giá đất vênh nhau mà Nhà nước vẫn luôn cho là giá thị trường có thực sự là giá thị trường?

Trở lại các ý kiến đã nêu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, có lẽ bản dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần minh định thật rõ ràng, cụ thể các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Phương thức xây dựng giá sẽ được chỉnh sửa để nhanh chóng có giá thị trường đúng nghĩa. Chắc chắn giá này phải căn cứ vào giá giao dịch thực tế mà người dân buộc phải kê khai đúng với Nhà nước để sau này họ đỡ bị thiệt khi bị thu hồi đất. Có như thế thì tình hình khiếu kiện trong lĩnh vực này cũng sẽ giảm thiểu. Đó cũng là mối quan tâm hàng đầu của người dân trong lần sửa đổi Luật Đất đai này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm