Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip bảy trẻ học sinh mẫu giáo tầm độ tuổi từ 3 đến 5 phải còng tay vào tấm bìa carton kèm dòng chữ đùa giỡn nhưng lại giống hình ảnh tội phạm tra tay vào còng.
Cụ thể, bảy trẻ mẫu giáo trên bị còng tay vào tấm bìa các tông kèm các dòng chữ: “7h vào học 10h đến”, “Thánh dỗi của lớp”, “Ăn chậm nhất lớp”, “Ẻ nhiều nhất lớp”, “Sơ hở là khóc”, “Bà tám của lớp”, “Cô nói 1 trả treo 10”,…
Theo tìm hiểu của PV đoạn clip trên được đăng tải bởi tài khoản TikTok @kimhue2712, sau khi đoạn clip được đăng tải đã nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ phẫn nộ từ cộng đồng mạng. Theo đó, sau khi nhận được nhiều sự chỉ trích từ phía cộng đồng mạng, chủ tài khoản trên cũng đã xóa đoạn clip.
Tài khoản Facebook HongLien Tran viết: Tôi phản đối việc xúc phạm nhân phẩm của trẻ qua việc đu trend như thế này... Nhìn các con thật là đáng thương và đau lòng.... Bạn mình đa số là làm giáo dục. Chia sẻ để họ răn đe các cô, giờ đa số cô trẻ, làm vậy tưởng sáng tạo, làm niềm vui cho mình, nhưng rất có hại cho trẻ.
Tài khoản Facebook Uyên Trần chia sẻ: Này là đang ngược lại với giáo dục. Thử xem mình có khuyết điểm mà ai nói ra trước đám đông xem mình có chịu không mà lại hành động trên mấy đứa nhỏ như vậy. Tư duy của cô giáo như thế này thì hỏng bét.
Tài khoản Facebook Trí Thiện thì bày tỏ: Tôi thấy các cháu bị tra tay vào tấm bìa cũng thấy ngạc nhiên và bức xúc quá, dù biết là đùa, hài hay răn dạy các cháu thì cũng không nên như vậy.
Trao đổi với PV, ThS Trần Xuân Tiến, Phó Trưởng Bộ môn Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến, chia sẻ: Đau lòng, xót xa, bức xúc, phẫn nộ… là loạt cảm giác của những ai xem đoạn clip các cháu mẫu giáo phải tra tay vào những tấm bìa carton được cắt theo mô hình gông cùm tay thời phong kiến xưa. Trong đoạn clip, ánh mắt các bé ngơ ngác, hành động miễn cưỡng. Nhìn vẻ hồn nhiên của các con, người xem không khỏi nhói lòng với việc làm phi giáo dục của cô giáo.
Theo ThS Trần Xuân Tiến, có thể cô giáo chỉ suy nghĩ đơn giản, với ý định ban đầu là muốn tạo ra một hoạt động hài hước trong lớp học, vì kèm theo trên "gông cùm tay" bằng bìa carton là những dòng chữ ghi lại từng thói quen cần được khắc phục của các bé. Nhưng nếu thật sự là kiểu suy nghĩ đơn giản như vậy thì rất đáng chê trách, cần xem lại năng lực nghiệp vụ sư phạm.
"Cô giáo dường như còn thiếu sự tinh tế nghề nghiệp, và quan trọng hơn là thiếu lòng yêu thương, thiếu sự tôn trọng đối với người học, đặc biệt ở đây là lứa tuổi mầm non, vốn còn nhiều ngây thơ, dễ bị tổn thương về tâm lý"- ThS Trần Xuân Tiến nói.
Vui thôi, đừng quá đà!
Lời khuyên “vui thôi, đừng vui quá” như thể dành cho trường hợp này. Phải chăng chỉ vì muốn đăng clip mua vui cho cộng đồng mạng, cô giáo đã không suy nghĩ thấu đáo đến cảm xúc của các bé, của phụ huynh? Cha mẹ nào có thể chịu nổi cảnh con mình bị đùa bỡn tiêu cực như vậy ngay tại môi trường giáo dục, lại còn công khai hình ảnh/video cá nhân trên mạng?
Sự phẫn nộ của cộng đồng mạng là bài học sâu sắc không chỉ dành cho cô giáo, mà còn dành cho những ai đang có ý định câu like, câu view một cách bất chấp, mù quáng.
ThS Trần Xuân Tiến, Phó Trưởng Bộ môn Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến