Nóng trong tuần

Để trẻ em không bị bạo hành là trách nhiệm của mọi người

(PLO)- Từ vụ bé trai ở Bình Phước bị bạo hành, một số bạn đọc cho rằng để bảo vệ trẻ em không bị bạo hành là trách nhiệm của mọi người.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, những dòng thông tin về vụ bé trai 10 tuổi ở TP Đồng Xoài, Bình Phước bị cha dượng đánh đập dã man khiến nhiều bạn đọc phẫn nộ.

Ngày 12-3, trên mạng xã hội xuất hiện clip hơn 2 phút ghi lại cảnh người đàn ông đánh một bé trai dã man. Sự việc được xác định xảy ra vào khoảng hơn 18 giờ ngày 8-3 tại TP Đồng Xoài, Bình Phước. Bé trai bị đánh tên A và người đàn ông đánh đập bé A là Lê Đức Thắng (cha dượng của bé A).

Hiện cơ quan công an đang tạm giữ hình sự Lê Đức Thắng để điều tra hành vi liên quan đến việc bạo hành trẻ em.

P10_Danh-tre-em_16-3.jpg
Hình ảnh bé trai ở Bình Phước bị cha dượng đánh đập dã man được camera ghi lại.
(Ảnh cắt từ clip)

Bảo vệ trẻ em, mọi người phải có trách nhiệm

Bạn đọc Trần Anh bình luận: “Việc một đứa trẻ bị bạo hành thông thường sẽ diễn ra trong thời gian dài, lúc đầu có thể từ những hành vi chửi bới và sau đó là đánh đập trẻ. Những người trong gia đình, thậm chí là những người hàng xóm xung quanh ít nhiều cũng có thể phát hiện và nhận biết một đứa trẻ bị bạo hành. Vì thế, người lớn chúng ta phải mạnh dạn lên tiếng, tố giác. Có như thế mới giảm tình trạng bạo hành trẻ em”.

“Theo báo chí đưa tin, đây không phải lần đầu bé trai này bị cha dượng đánh đập. Đến trẻ em mà cũng dùng vũ lực như vậy thì không thể chấp nhận được. Đề nghị cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm trường hợp này để răn đe, giảm bớt cảnh trẻ em bị cha dượng, mẹ kế đánh đập như những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua” - bạn đọc Hồng Ngọc chia sẻ.

Từng chia sẻ với báo chí, ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan có trách nhiệm thông báo ngay (trực tiếp hoặc qua điện thoại hoặc hình thức khác) cho nơi tiếp nhận thông tin khi phát hiện hoặc có thông tin trẻ em bị bạo hành, xâm hại.

Sau khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin việc trẻ bị bạo hành, tùy vào mức độ tổn hại của trẻ, cơ quan tiếp nhận sẽ thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ em trong trường hợp đặc biệt.

Theo ông Nghinh, vai trò chính trong quản lý nhà nước và bảo vệ trẻ em, nhất là các vụ việc liên quan đến bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em là công an và chính quyền địa phương tại cơ sở (bao gồm cả nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú).

Đối với hành vi bạo hành trẻ em, tùy theo mức độ, sự tổn thương của trẻ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại BLHS năm 2015.

Bạo lực với trẻ em, pháp luật xử nghiêm

Từ vụ việc bé trai 10 tuổi bị bạo hành, bạn đọc thắc mắc hiện nay việc bảo vệ trẻ em được pháp luật quy định như thế nào? Đối với những hành vi bạo lực, bạo hành trẻ em sẽ bị xử phạt ra sao?

Luật sư Nguyễn Tiến Hiểu, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tại Điều 6 Luật Trẻ em 2016 quy định nghiêm cấm hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

Bạo lực trẻ em được định nghĩa trong Luật Trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013 cũng khẳng định trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Vì thế, mọi hành vi bạo lực, đánh đập trẻ em đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cũng theo luật sư Hiểu, hiện nay các hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của trẻ em sẽ bị xử lý theo Nghị định 130/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Cụ thể, tại Điều 22 nghị định này quy định một số mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em. Theo đó, người có hành vi cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em… sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.

Ngoài ra, đối với hành vi bạo hành trẻ em, tùy theo mức độ, sự tổn thương của trẻ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người.•

Những vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện, xử lý

- Ngày 6-11-2023, TAND huyện Hóc Môn đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với hai bị cáo Nguyên và Bậm.

Theo cáo trạng vụ bạo hành bé trai ba tuổi, Nguyên sống chung như vợ chồng với bị cáo Bậm tại huyện Hóc Môn cùng cháu T. Trong hai ngày 10 và 25-4-2022, Bậm dùng băng keo trói tay, chân và chửi bới, dọa nạt bé T, để bé trần truồng nằm dưới sàn nhà. Bậm dùng tua vít, búa, kéo dọa tấn công làm bé hoảng sợ…

- Ngày 17-7-2023, Công an huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với PVN (ngụ ấp Phú Trung, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự) về tội cố ý gây thương tích.

Theo đó, N chung sống như vợ chồng với chị Đ, chị Đ có một con riêng là L (bé trai, ba tuổi). Sau khi nhậu say về nhớ lại việc bé L tinh nghịch, quậy phá đồ trong nhà nên N bực tức và nảy sinh ý định đốt bé. N đi vào bếp lấy miếng ruột xe đã tẩm dầu hỏa đốt cháy rồi ném vào bé L đang nằm ngủ. Hậu quả bé L bị bỏng nặng với thương tích 48%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm