Phân loại đột quỵ
Theo thông tin từ BV Đa khoa quốc tế Vinmec, đột quỵ được phân loại như sau:
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Gây ra bởi tắc nghẽn trong động mạch, chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ. Mặc dù có những đánh giá trên diện rộng, nhiều cơn đột quỵ thuộc dạng này vẫn còn chưa rõ nguyên nhân. May mắn thay, các liệu pháp dự phòng có hiệu quả cho tất cả các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Đột quỵ do huyết khối: Một cục máu đông (huyết khối) hình thành trong một động mạch ở cổ hoặc não. Những động mạch này có thể có tích tụ chất béo, gọi là các mảng bám.
Đột quỵ do tắc mạch: Tắc nghẽn bởi các cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể (thường là tim) và di chuyển đến não. Nguồn phổ biến thường là nhịp bất thường ở hai buồng phía trên của tim (rung tâm nhĩ), có thể làm hình thành cục máu đông.
Đột quỵ do xuất huyết: Xuất huyết có nghĩa là chảy máu. Loại đột quỵ này được gây ra bởi sự rò rỉ hoặc vết nứt trên một động mạch não hoặc trên bề mặt não. Những vết nứt này có thể là do phình mạch (một khu vực mỏng, yếu trên thành động mạch) hoặc bởi sự dị dạng của hệ thống mạch máu não.
Xuất huyết có thể xuất hiện ở trong não, hoặc trong khoảng không giữa não và lớp bảo vệ bên ngoài của nó. Khoảng 15% trường hợp đột quỵ là do xuất huyết.
Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA): Thường gọi là đột quỵ nhỏ, TIA thực chất là những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, thường chỉ kéo dài vài phút. TIA được gây ra bởi sự giảm tạm thời dòng máu cung cấp cho một phần của não, và không gây ra tác dụng rõ rệt lâu dài.
Những cơn thiếu máu não thoáng qua được coi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ cao hơn, và cần được đánh giá bởi một bác sĩ ngay.
Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ.
Các triệu chứng đột quỵ rất dễ thấy vì chúng xảy ra nhanh. Các dấu hiệu đột quỵ gồm có:
- Liệt đột ngột hoặc suy yếu vùng mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là chỉ bị một bên. Nếu bạn không thể nâng hai tay qua đầu cùng một lúc, hoặc nếu bạn không thể cười một cách bình thường, bạn có thể đang bị đột quỵ.
- Lú lẫn đột ngột, khó nói hoặc khó hiểu. Nếu bạn không thể nhắc lại một câu đơn giản, bạn có thể đang bị đột quỵ.
- Nhìn không rõ đột ngột ở một hoặc cả hai mắt.
- Đi không vững hoặc mất thăng bằng và điều phối đột ngột.
- Đau đầu dữ dội đột ngột.
Đối với những người đã từng bị đột quỵ, cần phải lưu ý những dấu hiệu như trên, để cẩn thận trọng hơn. Người nhà cần theo dõi sát vì dễ bị đột quỵ lại. Cần theo dõi sức khỏe định kỳ và dùng thuốc theo chỉ định, khi thấy bất thường trong cơ thể cần đi khám ngay.
Xử trí tại nhà như thế nào?
Theo các bác sĩ BV Trung ương quân đội 108, nhiều người thường nhầm lẫn các dấu hiệu của đột quỵ với hiện tượng trúng gió, nên xoa dầu nóng, cạo gió, cắt lể hoặc cúng bái… Điều này có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng thêm và nguy hiểm đến tính mạng.
Khi nghi ngờ người bệnh bị đột quỵ, người nhà hoặc những người ở cạnh bệnh nhân cần nhanh chóng để người bệnh không bị ngã gây chấn thương. Đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên nếu bị nôn, móc hết đờm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
Đối với người bị đột quỵ não, trong 3 giờ đầu thời gian là vàng, vì vậy hãy đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Đối với địa bàn miền núi, vùng sâu nếu không có điều kiện hãy di chuyển bệnh nhân bằng cáng, không nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy, tránh xóc khi di chuyển. Khi di chuyển, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng.
Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển đến viện xa, trừ khi có chỉ định của bác sĩ, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn. Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác, không để nằm chờ xem bệnh nhân có khỏe lại không.
Phòng ngừa đột quỵ như thế nào?
Theo website của BV 115 (TP.HCM), để phòng ngừa đột quỵ cần kiểm soát và điều trị các yếu tố nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi như: Tăng huyết áp, phát hiện sớm và điều trị bệnh tim, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, hẹp động mạch chủ có triệu chứng. Cần khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng một lần để tầm soát bệnh, uống đúng theo toa của bác sĩ, chỉ ngưng khi có ý kiến bác sĩ.
Cạnh đó, cần có một chế độ ăn lành mạnh với nhiều rau xanh và trái cây, uống nhiều nước, giảm lượng muối ăn vào.
Thay đổi lối sống, cai thuốc lá, uống rượu bia thích hợp, giảm stress, tránh ăn chất béo bão hòa, giảm muối, ăn nhiều rau quả và chất xơ, duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, tập thể dục đều đặn ngày 30-60 phút/ 5 ngày/ tuần.