Đó là thông tin được PGS.TS. Nguyễn Văn Chi - Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy đến với người dân, nhất là người già và những người phải lao động ngoài trời trong giai đoạn thời tiết nắng nóng bất thường trên cả nước.
Những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng bệnh nhân đột quỵ vào BV Bạch Mai cấp cứu tăng khoảng 20% so với ngày thường. Mỗi ngày có 30-40 bệnh nhân, chủ yếu là người lớn tuổi, mắc các bệnh mạn tính như huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, các bệnh tim mạch... Trong đó nhiều trường hợp bị đột quỵ lần 2 do không tuân thủ điều trị.
Người già và trẻ em là đối tượng cần được lưu ý trong thời điểm nắng nóng bất thường. ẢNH: CHIẾN CÔNG
Gần đây nhất là trường hợp đáng tiếc xảy ra với một bác sĩ. Cách đây hai ngày một nam bác sĩ 31 tuổi không có tiền sử mắc các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu đã đột quy khi đang đá bóng tại sân bóng mini trên đường Trường Chinh, Hà Nội.
“Diễn tiến đột quỵ diễn ra rất nhanh. Bác sĩ này đột nhiên ngã quỵ rồi rơi vào hôn mê, ngừng tuần hoàn dù ngay lập tức được bạn bè đưa vào BV ĐH Y Hà Nội gần đó cấp cứu nhưng đã không qua khỏi do vỡ phình mạch não” – BS Chi nói.
Mới đây, tại huyện EaHleo, tỉnh Đắk Lắk, bà N.T.M (53 tuổi), cũng bỗng nhiễn co giật, méo miệng sau đó rơi vào tình trạng liệt toàn thân. Bà M. được gia đình đưa đến BV đa khoa tỉnh Đắk Lắk và được các bác sĩ chẩn đoán bị đột quy lần 2 (cách đây 10 năm, bà M. đã từng bị đột quỵ và bị liệt nửa người bên phải).
Một phần nguyên nhân dẫn đến cơn đột quỵ tái phát như của bà M. là do thời tiết quá nóng, bệnh nhân có sức chống đỡ kém. Hiện bà M. đang được chuyển sang viện Y học cổ truyền dân tộc để châm cứu.
Cũng theo BS Chi, nhóm người cao tuổi, trẻ em và người phải làm việc trong điều kiện ngoài trời khi nắng nóng là những người cần hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe trong mùa hè.
“Người từ 60 tuổi trở lên được coi là nhóm người cao tuổi, người già. Họ thường có nhiều bệnh mạn tính trong như huyết áp, đái tháo đường… Bên cạnh đó, các phản xạ của người già rất kém, sức chống đỡ không tốt. Vì vậy, khi tiết trời nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các yếu tố nguy cơ", BS Chi khuyến cáo.
Cạnh đó, nhóm trẻ em cơ thể còn non nớt rất nhạy cảm với thời tiết. Nhiều trẻ có sức đề kháng không tốt, dễ bị tác động bởi nắng nóng. Thêm vào đó, trẻ rất hiếu động nên có nhu cầu uống rất nhiều nước, sử dụng nhiều chất dinh dưỡng khi đùa nghịch. Vì vậy trong những ngày nhiệt độ cao, trẻ dễ bị say nắng, sốc nhiệt.
Đối với nhóm người đang trong độ tuổi lao động, BS Chi đánh giá nhóm này có sức chịu đựng tốt, có thể chịu đựng thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt. Song nhiều người phải làm việc ngoài trời trong điều kiện nắng nóng vượt quá sức chịu đựng của cơ thể vẫn có thể khiến họ bị hôn mê, đột quỵ.
Qua đây, các BS cũng khuyến cáo, tại Việt Nam mùa hè luôn rất nóng, vì vậy người dân cần tránh ra ngoài trời vào thời gian nắng nóng cao điểm (từ 12 – 16 giờ hàng ngày) nếu không có việc cần thiết. Khi phải ra ngoài trời nắng nóng, cần có phương tiện dụng cụ để tránh tác động của nhiệt và tử ngoại. Trong các môi trường làm việc cố định, mỗi người cần phải tự tạo điều kiện bảo hộ tốt, có yêu cầu kiểm soát nhiệt độ tại nơi làm việc, chủ động sắp xếp công việc cho phù hợp để đảm bảo sức khỏe.