Phán quyết trọng tài nhìn từ vụ Sơn Tùng M-TP bị kiện

(PLO)- Phán quyết trọng tài vụ Sơn Tùng M-TP sẽ được TAND TP.HCM xem xét; vậy phán quyết này khác với phán quyết của toà án ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại. Thông thường, các doanh nhân, doanh nghiệp có tranh chấp đều mong muốn việc giải quyết tranh chấp được tiến hành kín đáo. Chính vì vậy, các phán quyết trọng tài hiếm khi lộ ra ngoài.

Nhưng trong vụ tranh chấp giữa Công ty TNHH TAD Global Việt Nam và Công ty CP M-TP Talent, liên quan đến nghệ sĩ nổi tiếng Nguyễn Thanh Tùng, nghệ danh Sơn Tùng hay còn gọi là Sơn Tùng M-TP, phán quyết trọng tài đã không còn được giữ kín.

Lý do là sau khi trọng tài ra phán quyết, Công ty CP M-TP Talent đã đệ đơn ra TAND TP.HCM yêu cầu hủy phán quyết trọng tài này. Từ đó, phán quyết trọng tài trở thành một tài liệu tố tụng dân sự mà các bên trong vụ việc có thể tiếp cận, sử dụng theo nhu cầu.

Lẽ công bằng trong phán quyết trọng tài vụ kiện Sơn Tùng M-TP
Ca sĩ Sơn Tùng trên trang web Công ty CP M-TP Talent.

Nội dung vụ tranh chấp Sơn Tùng M-TP

Theo phán quyết trọng tài vụ tranh chấp giữa TAD Global Việt Nam và M-TP Talent mà PLO có được, vụ tranh chấp bắt nguồn từ hợp đồng giữa hai đơn vị này trong việc cung cấp dịch vụ và cấp quyền sử dụng hình ảnh dưới dạng nội dung kỹ thuật số để đưa lên nền tảng vũ trụ ảo có tên gọi tắt là RACA.

Theo thỏa thuận này, ca sĩ Sơn Tùng M-TP có nghĩa vụ phối hợp với TAD Global Việt Nam sản xuất các nội dung kỹ thuật số cùng bài quảng bá trên các mạng xã hội. Phía TAD sẽ khai thác doanh thu quảng cáo, bán sản phẩm ảo trên RACA. Đổi lại phía Sơn Tùng và công ty của mình được nhận trước toàn bộ giá trị hợp đồng là hơn 25,5 tỷ đồng.

Hợp đồng được ký ngày 31-2-2022 và có thời hạn đến ngày 30-4-2023.

Hơn 2 tháng trước ngày hết hạn hợp đồng, nhân viên giúp việc đôi bên đã email cho nhau bàn việc triển khai nốt các công việc dang dở. Thậm chí một tháng sau thời hạn hợp đồng, các email trao đổi còn thảo luận phương án gia hạn cho các hạng mục chưa hoàn thành đến ngày 31-7-2023.

Tuy nhiên, sau đó phía Sơn Tùng không ký kết gia hạn, từ chối hợp tác với lý do hợp đồng đã hết hạn.

Theo thỏa hợp đồng đã ký ban đầu, Công ty TNHH TAD Global Việt Nam và Công ty CP M-TP Talent thống nhất nếu phát sinh tranh chấp, đôi bên sẽ đưa ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) để giải quyết.

Trên cơ sở đó, ngày 22-8-2023, sau thời gian dài không thể đạt được thỏa thuận với đối tác, TAD Global Việt Nam đã khởi kiện M-TP Talent ra VIAC, đòi hoàn trả toàn bộ giá trị công việc chưa triển khai cùng tiền phạt hợp đồng tương ứng.

Tố tụng trọng tài

Quá trình giải quyết của VIAC sau đó cho thấy tố tụng trọng tài đã được tiến hành với những nét đặc trưng khác biệt hoàn toàn với tố tụng tại tòa án.

Đầu tiên, hai bên đã tự chọn cho mình trọng tài viên thuộc VIAC sẽ tham gia Hội đồng Trọng tài để giải quyết vụ việc. Hai trọng tài viên này sau đó bầu chọn một trọng tài viên thứ ba cũng thuộc danh sách trọng tài viên của VIAC làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài 3 người, theo đúng số lượng mà đôi bên đã giao ước trong hợp đồng.

Về thủ tục, trong trường hợp này, hai bên tranh chấp không có thỏa thuận khác, nên theo Luật Trọng tài thương mại, Quy tắc tố tụng của VIAC được áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp này.

Về địa điểm giải quyết tranh chấp, dù VIAC có trụ sở tại Hà Nội, nhưng đôi bên thống nhất chọn TP.HCM làm nơi cùng họp với Hội đồng Trọng tài để giải quyết tranh chấp. Ngoài họp trực tiếp, đôi bên cũng thống nhất sẽ kết hợp họp trực tiếp với một số đầu cầu trực tuyến.

Quá trình đưa vụ việc tranh chấp ra VIAC, với Hội đồng Trọng tài là trung gian, cả nguyên đơn, bị đơn đã cùng được cung cấp tài liệu, chứng cứ. Tất cả đều công khai, minh bạch theo nguyên tắc Hội đồng Trọng tài chỉ sử dụng những tài liệu, chứng cứ được cả hai bên công nhận làm căn cứ để phân tích, lập luận, mổ xẻ sự việc.

Các tài liệu, chứng cứ ấy về cơ bản phản ánh nội dung tranh chấp như tóm tắt nêu trên.

Phán quyết trọng tài

Sau hai phiên họp, ngày 19-4, Hội đồng Trọng tài đã ra phán quyết với cấu trúc gồm 5 phần: Giới thiệu; Tóm tắt lịch sử tố tụng; Tóm tắt vụ tranh chấp; Phân tích và nhận định vụ tranh chấp; Quyết định.

Trong đó phần Tóm tắt vụ tranh chấp mô tả chi tiết các yêu cầu, lập luận của nguyên đơn, trình bày, lập luận, đề nghị của bị đơn.

Còn phần Phân tích và nhận định vụ tranh chấp là quan điểm của Hội đồng Trọng tài bao gồm rà soát, đánh giá các vấn đề về thẩm quyền, thủ tục thành lập Hội đồng Trọng tài, luật áp dụng, ngôn ngữ trọng tài, địa điểm trọng tài, thời hiệu.

Vận dụng các nguyên tắc, tinh thần của pháp luật

Gây chú ý nhất trong phán quyết trọng tài này là phân tích và kết luận của Hội đồng Trọng tài về các yêu của nguyên đơn, bị đơn; các vấn đề cần được phân tích, giải quyết và nhận định của Hội đồng Trọng tài về các vấn đề cốt lõi của vụ tranh chấp.

Theo đó, Hội đồng Trọng tài nhận định để giải quyết các vấn đề cốt lõi của tranh chấp này phải vận dụng các nguyên tắc, tinh thần pháp luật được thể hiện trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự.

Cụ thể là:

Trọng tài VIAC có chung mục tiêu bổ trợ cho tòa án để phụng sự “công lý” (Hiến pháp, Điều 102).

Các cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách “thiện chí, trung thực” (Bộ luật Dân sự, Điều 3).

Áp dụng tương tự pháp luật, áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, áp dụng án lệ, áp dụng “lẽ công bằng” (Bộ luật Dân sự, Điều 6)

“Lẽ công bằng” được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó (Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 45).

Trên cơ sở đó, Hội đồng Trọng tài nhận định nguyên đơn có một phần lỗi trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhưng theo “lẽ công bằng” bị đơn không đương nhiên được miễn trừ nghĩa vụ thực hiện các dịch vụ chưa hoàn thành.

Quá trình trao đổi qua email để giải quyết các công việc tồn đọng, dù là thông qua nhân viên của hai bên nhưng nghệ sĩ Sơn Tùng đều biết và không hề có sự phản đối. Như thế, TAD Global Việt Nam có niềm tin chính đáng là các nội dung tồn đọng sẽ được phía Sơn Tùng M-TP triển khai kể cả khi hợp đồng đã hết hạn.

Niềm tin chính đáng ấy cần được tôn trọng, nếu không sẽ đi ngược lại đạo đức xã hội, khuyến khích một bên dùng thủ thuật “bẫy thời hạnh, thời hiệu” để né tránh thực hiện nghĩa vụ gây thiệt hại cho bên kia...

Phần quyết định

Với một việc vi phạm hợp đồng mà có lỗi hỗn hợp như vậy, giải quyết theo nguyên tắc thiện chí trung thực, theo lẽ công bằng, theo ý chí và mong muốn của mỗi bên trong thực hiện các nội dung còn dang dở sau hạn cuối hợp đồng, cũng như xem xét lợi ích/thiệt hại mỗi bên, Hội đồng Trọng tài quyết định: Chấp nhận 80% yêu cầu của nguyên đơn.

Như vậy, Công ty CP M-TP Talent của ca sĩ Sơn Tùng phải hoàn trả Công ty TNHH TAD Global Việt Nam 80% giá trị các dịch vụ chưa hoàn thành, tương ứng gần 5 tỷ đồng, cùng với đó là 8% thuế VAT tương ứng, tức hơn 397 triệu đồng. Ngoài ra, bị đơn phải chịu phạt 8% giá trị vi phạm, là hơn 397 triệu đồng.

Để khởi kiện ra VIAC, nguyên đơn đã nộp 100% phí trọng tài, tức hơn 319 triệu đồng. Vậy quy đổi theo tỷ lệ, bị đơn phải hoàn trả nguyên đơn 80% số phí trọng tài này.

Theo Luật Trọng tài thương mại, phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, có hiệu lực ngay từ ngày ban hành 19-4-2024. Phán quyết trọng tài ra thời hạn 30 ngày sau đó, bị đơn có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ các khoản tiền nêu trên. Nếu không sẽ phải chịu thêm lãi chậm trả theo Điều 357 Bộ luật Dân sự là 10%/năm.

***

Như PLO đã đưa tin, TAND TP.HCM đã thụ lý đơn của Công ty M-TP Talent đề nghị hủy phán quyết trọng tài này. Dự kiến ngày mai, 15-8, cuộc họp xem xét vụ việc sẽ được tổ chức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm