Tòa Kinh tế TAND TP.HCM vừa mở phiên họp giải quyết việc hủy phán quyết trọng tài. Hội đồng xét đơn đã chấp nhận yêu cầu của Công ty L. về việc hủy phán quyết trọng tài của Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM. Lý do là trung tâm này ra phán quyết dù hai công ty chưa thống nhất được việc lựa chọn lại tổ chức trọng tài giải quyết vụ tranh chấp.
Tranh chấp hợp đồng xử lý rác thải
Tháng 12-2012, Công ty T. và Công ty L. ký hợp đồng kinh tế trị giá 6,1 tỉ đồng. Theo đó, Công ty L. nhận thi công lắp đặt thi công khu xử lý rác thải tập trung tại Khu công nghệ Tân An 1 cho Công ty T.
Tháng 6-2018, Công ty T. gửi đơn yêu cầu Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM (TRACENT) hủy bỏ hợp đồng và phụ lục hợp đồng mà các bên đã ký kết, buộc Công ty L. hoàn trả 4,1 tỉ đồng tiền mà Công ty T. đã tạm ứng.
Ngày 18-5, trung tâm trọng tài này đã ban hành phán quyết chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Công ty T., phía Công ty L. phải chịu phí trọng tài là 186 triệu đồng.
Không đồng ý với phán quyết này, ngày 3-6, Công ty L. đã gửi đơn đến TAND TP.HCM xin xem xét hủy phán quyết trọng tài với lý do là Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM không có thẩm quyền giải quyết do các bên chưa tiến hành thương lượng. Ngoài ra, trung tâm này không có thẩm quyền giải quyết do các bên không thỏa thuận lại về tổ chức trọng tài. Tại phiên họp, Hội đồng trọng tài đã vi phạm thủ tục tố tụng khi không xem xét việc Công ty L. phản đối với thẩm quyền và phán quyết...
Tại phiên họp ngày 13-8 vừa qua, hội đồng xét đơn Tòa Kinh tế TAND TP.HCM đã căn cứ Điều 68 Luật Trọng tài thương mại và điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 01/2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để hủy phán quyết trọng tài. Đây là quyết định cuối cùng và có hiệu lực từ ngày ký, các bên và Hội đồng trọng tài không có quyền khiếu nại, kháng cáo, VKS không có quyền kháng nghị.
Vì sao phán quyết bị hủy?
Theo hội đồng xét đơn, điều 6 của hợp đồng mà hai công ty đã ký kết có nội dung: “... Việc giải quyết tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua Trọng tài kinh tế TP.HCM”. Tuy nhiên, Trọng tài kinh tế TP.HCM là tổ chức trọng tài trực thuộc Trọng tài kinh tế Nhà nước, đã chấm dứt hoạt động từ năm 1994 mà không có tổ chức nào khác kế thừa.
Căn cứ khoản 5 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại 2010, khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 01/2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì được xem là thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. Bởi điều luật trên quy định các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một trung tâm trọng tài cụ thể nhưng trung tâm này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa. Thực tế, các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.
Trong khi khoản 5 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại quy định khi các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.
Hội đồng xét đơn cho rằng Công ty T. và Công ty L. phải có nghĩa vụ thỏa thuận lại tổ chức trọng tài giải quyết vụ tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì nguyên đơn mới có quyền lựa chọn tổ chức trọng tài. Tuy nhiên, trong hồ sơ thể hiện cũng như tại phiên họp, các bên đều xác nhận là chưa từng thỏa thuận được về việc lựa chọn tổ chức trọng tài.
Quá trình Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM giải quyết, Công ty L. gửi văn bản phản đối thẩm quyền giải quyết. Căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại 2010, thẩm quyền xem xét thỏa thuận trọng tài và thẩm quyền trọng tài là của Hội đồng trọng tài. Tuy nhiên, chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM lại ký ban hành văn bản ngày 5-7-2018 trả lời khiếu nại cho Công ty L. là sai.
Trong suốt quá trình giải quyết vụ việc tại trọng tài, phía Công ty L. cũng đã nhiều lần phản đối thẩm quyền trọng tài nhưng không được xem xét. Vì vậy, Hội đồng trọng tài đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi giải quyết vụ tranh chấp.
Luật chưa quy định lệ phí trọng tài Về lệ phí, theo hội đồng xét đơn, căn cứ khoản 3 Điều 39 Nghị quyết 326/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì người nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là Công ty L. phải chịu lệ phí tòa án. Tuy nhiên, phần danh mục lệ phí tòa án không quy định rõ đối với việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì lệ phí là bao nhiêu nên Công ty L. không phải chịu lệ phí. |