Mới đây, TAND TP Cần Thơ đã ra quyết định về việc hủy một phán quyết trọng tài. Theo đó, TAND TP Cần Thơ đã quyết định hủy phán quyết trọng tài của Trung tâm Trọng tài thương mại Cần Thơ giải quyết vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là Công ty TNHH NL và bị đơn là Công ty cổ phần Đầu tư – thương mại – dịch vụ ĐL.
Theo hồ sơ, năm 2008, công ty NL và ĐL có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh để cùng thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà vườn tại TP Cần Thơ. Quá trình thực hiện dự án đến năm 2018, hai bên phát sinh tranh chấp. Tháng 2/2019, Trung tâm Trọng tài Thương mại TP Cần Thơ ban hành phán quyết trọng tài giải quyết tranh chấp. Sau đó, công ty ĐL có đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Theo TAND TP Cần Thơ, Điều 5 Luật Trọng tài thương mại quy định, “Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”. Trong khi đó, Điều 12 của Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai công ty lại ghi “hai bên thống nhất chọn tòa án nơi có bất động sản để giải quyết tranh chấp nếu việc thương lượng hòa giải không thành giữa các bên”. Như vậy, theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, hai bên không có thỏa thuận trọng tài nhưng Hội đồng Trọng tài thương mại Cần Thơ ra phán quyết vụ việc tranh chấp khi không đủ điều kiện quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại là không đúng pháp luật.
Đồng thời, phán quyết trọng tài nhận định thỏa thuận trọng tài “dưới hình thức thỏa thuận riêng” được thể hiện trong văn bản là biên bản họp vào tháng 6-2018 có hai công ty cùng ký tên, đóng dấu. Tuy nhiên, TAND TP Cần Thơ cho rằng, không có sự thỏa thuận giữa hai công ty trong biên bản này. Yêu cầu giải quyết trọng tài chỉ là ý kiến đơn phương của công ty NL. Sau cuộc họp này, phía công ty ĐL có văn bản nêu ý kiến không đồng ý chấm dứt hợp đồng, ngoài ra không có ý kiến khác, cũng không thỏa thuận về giải quyết trọng tài.
Phán quyết trọng tài nhận định bị đơn phải phủ nhận ý kiến của nguyên đơn đưa ra, nếu không phủ nhận thì đã có thỏa thuận trọng tài. TAND TP Cần Thơ cho rằng nhận định như vậy là không đúng tinh thần điểm đ, Khoản 2, Điều 16 Luật Trọng tài thương mại. Bởi lẽ, điều luật trên nói rõ về đơn khởi kiện và bản tự bảo vệ là trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận. Nhưng, thực tế, đơn khởi kiện của nguyên đơn và bản tự bảo vệ của bị đơn vẫn phản đối, không đồng ý việc đưa tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh ra Trung tâm Trọng tài thương mại Cần Thơ giải quyết. Các văn bản trên không tồn tại sự thỏa thuận nào của các bên về việc tranh chấp do trọng tài thương mại giải quyết.
“Do đó, Hội đồng Trọng tài thương mại Cần Thơ nhận đơn khởi kiện và ra phán quyết là không đúng quy định pháp luật” – TAND TP Cần Thơ nhận định.
Từ đó, TAND TP Cần Thơ quyết định hủy phán quyết trọng tài của Trung tâm Trọng tài thương mại Cần Thơ giải quyết vụ tranh chấp nêu trên.