Trung bình giải quyết xong tranh chấp hợp đồng là 400 ngày

Sáng 9-11, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm về thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, trọng tài.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA) phát biểu tại buổi tọa đàm sáng 9-11. Ảnh: K.P 

 

Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế (Bộ Tư pháp) nêu những quy định chung pháp luật về hợp đồng và cách thức giải quyết cũng như thời gian, chi phí giải quyết tranh chấp.

Tại đây, ông Tú cho biết theo báo cáo của ngân hàng thế giới, các báo cáo công bố của các nghiên cứu khác... thì thời gian giải quyết xong tranh chấp hợp đồng của nước ta là 400 ngày, chi phí bằng 29% giá trị hợp đồng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA), chỉ ra bảy bất cập, vướng mắc, chồng chéo liên quan đến hợp đồng...

Công chứng viên (CCV) Nguyễn Văn Hòa (Phòng Công chứng số 1, TP.HCM) chia sẻ về hợp đồng thế chấp tài sản. Hợp đồng này do bên nhận thế chấp soạn thảo và bên thế chấp thường chỉ được đọc hợp đồng đó trước khi ký kết tại các tổ chức hành nghề công chứng. Các tổ chức tín dụng khác nhau có các biểu mẫu hợp đồng thế chấp khác nhau cho riêng hệ thống của mình.

Hợp đồng theo mẫu này gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra. Nội dung hợp đồng mà các tổ chức tín dụng chủ động đưa vào theo ý chí chủ quan của mình đương nhiên dành quyền lợi thế, đặc biệt là vấn đề xử lý tài sản thế chấp.

Trước đây và hiện nay vẫn còn một số tổ chức tín dụng khi ký kết hợp đồng thế chấp, bên nhận thế chấp yêu cầu bên thế chấp ký thêm một hợp đồng nữa là hợp đồng ủy quyền để ngân hàng xử lý tài sản với tư cách là bên được ủy quyền, đại diện chủ tài sản “bán, chuyển nhượng…” và “kể cả tự quyết định chọn người mua và giá cả”.

Ông Hòa đề xuất, ngân hàng nhà nước nên yêu cầu các tổ chức tín dụng thống nhất biểu mẫu và công bố hợp đồng mẫu của tổ chức mình để khách hàng có cơ hội lựa chọn trước khi quyết định chọn ngân hàng cấp tín dụng. 

PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trung tâm trọng tài VIAC  phát biểu tại buổi tọa đàm  Ảnh: K.P 

PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trung tâm trọng tài VIAC, phân tích thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức hòa giải và trọng tài còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, bất cập thứ nhất xuất phát từ quy định pháp luật về thẩm quyền của trọng tài, khung khiếu nại còn chưa cụ thể, thiếu cơ chế giám sát việc hủy phán quyết trọng tài… Bất cập thứ hai xuất phát từ người vận dụng pháp luật. Thực tế, còn có cách hiểu khác nhau chưa thống nhất về trọng tài (giữa các tòa án, các thẩm phán), chưa tuân thủ thời gian luật định…

Ví dụ TAND TP.HCM cho rằng tranh chấp liên quan đến bất động sản thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài (nếu các bên có thỏa thuận) nhưng TAND TP.Hà Nội thì cho rằng tranh chấp này không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài mà thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án …

Tại buổi này, các đại biểu cũng thảo luận, trao đổi về các phương thức giao dịch của hợp đồng, trách nhiệm và quyền lợi của các cơ quan liên quan, thẩm quyền giải quyết tranh chấp, thời gian, chi phí…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm