Chiều 30-10, tại Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM đã diễn ra cuộc trao đổi giữa đại diện của các ban ngành như Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Cục Thuế TP … để lấy ý kiến xung quanh vấn đề: Làm thế nào để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, đảm bảo cho thị trường BĐS phát triển minh bạch.
Theo Viện Nghiên cứu TP hiện trên địa bàn TP có hiện tượng người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ chuyển hướng sang mua nhà ở riêng lẻ và đất nền, đầu tư và thao túng thị trường BĐS với thông tin sai lệch. Hiện tượng trên dẫn đến giá trị giao dịch các loại BĐS tăng đột biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính lành mạnh của thị trường địa ốc.
Để giải quyết tình trạng sốt đất cũng như ngăn chặn kịp thời tình trạng bong bóng BĐS trên địa bàn TP, UBND TP đã có Văn bản chỉ đạo số 4307/UBND-ĐT về tình hình tăng giá nhà ở riêng lẻ và đất nền trên địa bàn TP. Giao Viện nghiên cứu phát triển chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét quy định về thuế suất giao dịch BĐS để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch chính thức, hạn chế đầu cơ, đảm bảo cho thị trường BĐS phát triển minh bạch và lành mạnh.
Qua thực tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP nhận thấy đã có quy định về cách giải quyết trường hợp khai báo giá giao dịch BĐS quá thấp, thông qua áp dụng bảng giá đất do địa phương công bố, để làm căn cứ tính thuế thu nhập.
Tuy nhiên, do bảng giá đất công bố thực tế vẫn còn khá thấp để làm căn cứ điều tiết thuế thu nhập, khi chuyển nhượng BĐS, trong trường hợp khai báo giá trị giao dịch thấp hơn khung giá nhà nước quy định. Vì vậy, TP cần nghiên cứu đề xuất loại thuế/phí có tác động điều tiết đối với các nhà đầu cơ, giữ số lượng BĐS có nhiều giao dịch.
Trên cơ sở đó, Viện nghiên cứu tham mưu UBND TP kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét áp dụng thuế BĐS (dạng thuế tài sản) với cách tính dựa trên diện tích sàn xây dựng, để tính ra giá trị BĐS.
“Theo đó, nhà càng rộng, càng nhiều diện tích người chủ sẽ phải nộp thuế BĐS càng cao. Đây là nguồn thu hằng năm, thay thế cho thuế đất phi nông nghiệp đang áp dụng nhưng không còn phù hợp, khi hệ số sử dụng đất (tầng cao hay tổng diện tích sàn) chưa được xem như một tiêu chí đưa vào căn cứ tính thuế. Đây cũng là nhân tố chính đã ảnh hưởng đến hiện tượng quá tải hạ tầng (tăng tầng cao, tăng áp lực dân số) do không có nguồn thu để bổ sung cơ sở hạ tầng tương ứng” - Viện nghiên cứu phát triển TP nêu quan điểm.
Có những hợp đồng mua bán nhà đất có mức giá thật là 2,2 tỉ đồng (giấy tay) nhưng khi ra công chứng thì hai bên mua bán chỉ ghi giá mua bán là 500 triệu đồng (giảm 1,7 tỉ đồng).
Thực tế giới mua bán nhà đất vẫn kháo nhau về việc sử dụng “hợp đồng âm dương” để trốn thuế. Hợp đồng âm là để đi công chứng và làm các thủ tục thuế, sang tên với giá ảo, thấp hơn giá thật để được nộp mức thuế thấp nhất. Còn hợp đồng dương chính là hợp đồng tay để hai bên ghi giá giao dịch thật làm cơ sở thanh toán trên thực tế.