Phân tích khả năng chở khách và hàng của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam

(PLO)- Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ GTVT cần tiếp tục làm rõ hơn dựa trên phân tích, nghiên cứu kinh nghiệm đầu tư, vận hành, khai thác hành khách kết hợp hàng hóa của các tuyến đường sắt cao tốc của các nước trên thế giới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng ban Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện "Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia".

Cần phải đầu tư đường sắt tốc độ cao

Phó Thủ tướng cho rằng đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần phải đầu tư đường sắt tốc độ cao để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Để hoàn thiện đề án đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ trình Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến, bao gồm ý kiến của GS.TSKH Lã Ngọc Khuê.

Trong đó, lãnh đạo Chính phủ lưu ý Bộ GTVT đánh giá toàn diện các yếu tố: công nghệ, kỹ thuật, an toàn, tổ chức vận tải khai thác, năng lực vận tải (hàng hóa và hành khách) của đường sắt trên trục Bắc Nam (gồm đường sắt tốc độ cao và đường sắt khổ 1.000 mm hiện hữu), tính khả thi, phương án huy động vốn, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế… để lựa chọn kịch bản tối ưu.

Phương án triển khai phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất về tiêu chuẩn thiết kế, hạ tầng, tín hiệu, thiết bị, toa xe, đầu máy… Đối với các ga tại Hà Nội và TP.HCM cần bố trí ở trung tâm, kết hợp đi ngầm, trên cao… bảo đảm thuận tiện cho hành khách.

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định Việt Nam cần có tuyến đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam. Ảnh: V.LONG
Lãnh đạo Chính phủ khẳng định Việt Nam cần có tuyến đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam. Ảnh minh họa: V.LONG

Về tốc độ thiết kế, Bộ GTVT cần tiếp tục làm rõ hơn dựa trên phân tích, nghiên cứu kinh nghiệm đầu tư, vận hành, khai thác hành khách kết hợp hàng hóa của các nước trên thế giới. Song song đó, bộ cần phân tích, chứng minh về hiệu quả kinh tế, tài chính đối với trường hợp chỉ vận tải hành khách, hoặc vận tải hành khách kết hợp vận tải hàng hóa.

Về chuyển giao công nghệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất lập đề án riêng để phân tích, chọn đối tác chuyển giao công nghệ; lựa chọn tổ chức tiếp nhận công nghệ để làm chủ công nghệ.

Bộ GTVT cũng được giao nghiên cứu phương án phân kỳ đầu tư phù hợp, có thể kiến nghị đầu tư đồng thời, một lần để giảm thời gian, chi phí…

Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, phản biện độc lập những đề xuất của Bộ GTVT để lựa phương án tối ưu.

3 phương án

Tháng 12-2023, Bộ GTVT trình Thường trực Chính phủ đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để Chính phủ tiếp tục xem xét cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua.

Trong đó, Bộ GTVT đưa ra ba kịch bản đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đề xuất lựa chọn kịch bản 3.

Cụ thể, kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD.

Kịch bản 3 nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỉ USD. Ưu điểm của kịch bản 3 là tàu vận tải riêng hành khách nên tốc độ cao, tiện nghi, an toàn, có khả năng cạnh tranh với phương tiện khác. Tuy nhiên, nhược điểm là chi phí đầu tư cao, chênh lệch tốc độ giữa tàu khách với tàu hàng càng lớn làm giảm năng lực thông qua.

Tuy nhiên, GS.TS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng nên chọn làm tuyến đường sắt tốc độ cao trên, dưới 200k m/giờ để vừa chở được khách và hàng. Nếu tốc độ cao không thể vừa chở khách và hàng, trường hợp muốn chở cả khách và hàng phải giảm tốc độ, khiến năng lực thông quan giảm.

"Mặc dù vận tải đường thuỷ nội địa, đường biển có ưu thế về chi phí, nhưng thời gian kéo dài, bốc dỡ nhiều lần, nên đây là cơ hội rất lớn để ngành đường sắt tăng thị phần vận tải hàng hoá đường dài, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế", GS.TS Lã Ngọc Khuê phân tích.

Thêm vào đó, GS.TS Lã Ngọc Khuê cho rằng Việt Nam chưa làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao. Nếu lựa chọn tốc độ 350 km/giờ thì sự phụ thuộc của nước ta vào đối tác nước ngoài sẽ còn lớn hơn nhiều, không chỉ trong xây dựng triển khai dự án mà còn trong suốt vòng đời vận hành dự án về sau. Sự thua lỗ cùng với những hệ lụy nặng nề đối với kinh tế - xã hội là không thể lường hết được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm