Phân tích pháp lý vụ tàu Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam

Nhiều hãng tin quốc tế hai ngày qua đưa tin nhóm tàu Trung Quốc (TQ), trong đó có tàu khảo sát Địa chất hải dương 8, đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam (VN). Theo dự án Đại sự ký biển Đông, tính đến sáng 15-4, nhóm tàu này “dường như đang hướng tới Malaysia”, nơi đang diễn ra cuộc đối đầu giữa Malaysia và TQ nhiều tháng qua về hoạt động thăm dò dầu khí.

Ngày 15-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng cho biết: Các cơ quan chức năng của VN vẫn theo dõi sát các diễn biến ở biển Đông. “VN đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông” - bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Hiểu về vùng đặc quyền kinh tế

Nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc và phản đối hoạt động của nhóm tàu TQ khi vào EEZ của VN. Giới quan sát nhắc lại sự kiện nhóm tàu Địa chất hải dương 8 đã có hành xử phạm pháp kéo dài nhiều tuần trong EEZ và thềm lục địa của VN ở khu vực phía nam biển Đông từ tháng 7 năm ngoái. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, ĐH Luật TP.HCM, nhận định cần cảnh giác với tàu TQ nhưng cũng phải tỉnh táo tuân thủ các quyền tự do hàng hải của tàu thuyền nước ngoài.

“Cần phải hiểu rõ phạm vi và quyền, nghĩa vụ của các quốc gia ven biển ở từng vùng biển theo quy định UNCLOS để đưa ra các hành xử văn minh, thượng tôn pháp luật” - TS Ngô Hữu Phước nói. Trước hết cần hiểu như thế nào là EEZ. Đây là vùng biển gồm cả phần nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải và rộng tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Ở VN, chúng ta xác lập lãnh hải rộng 12 hải lý, nên EEZ sẽ rộng 188 hải lý. Điều 56 UNCLOS quy định quốc gia ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán mang tính chất đặc quyền trên vùng EEZ.

Quyền chủ quyền là quyền thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và phi sinh vật; và thăm dò, khai thác kinh tế khác như tạo năng lượng từ nước, hải lưu, gió. Trong khi đó, quyền tài phán của quốc gia ven biển bao gồm: Xây dựng và sử dụng đảo nhân đạo, công trình và cấu trúc nhân tạo; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và bảo tồn môi trường biển.

Như vậy mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên ở EEZ phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển. Trong vùng EEZ, tổ chức hay cá nhân nước ngoài có ba quyền cơ bản: (i) quyền tự do về hàng hải, (ii) quyền tự do hàng không và (iii) quyền lắp đặt cáp và ống ngầm.

Tàu Địa chất hải dương 8 di chuyển gần Macau vào tháng 10-2019. Con tàu này từng xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam vào tháng 7-2019. Ảnh: WEIBO

Tôn trọng tự do hàng hải nhưng không chủ quan

“Như vậy, đối chiếu với các thông tin mà truyền thông đã đưa với các quy định của UNCLOS, có thể thấy đến thời điểm hiện tại chưa thấy tàu của TQ thực hiện hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN trong EEZ của chúng ta” - TS Ngô Hữu Phước nhận xét. Theo ông Phước, không những tàu TQ mà tất cả tàu thuyền nước ngoài nói chung (kể cả các nước không có biển), khi đi qua EEZ của VN cũng có những quyền cơ bản theo luật định như quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không và quyền lắp đặt cáp và ống ngầm.

Mỗi ngày, hàng trăm chuyến tàu khác nhau thực hiện quyền tự do hàng hải ở biển Đông (trong đó chủ yếu là vận chuyển hàng hóa). Vùng biển của VN cũng nằm trong hải trình quan trọng. Điều đó tạo ra ưu thế cho VN nhưng song song đó cũng yêu cầu VN phải tôn trọng các quyền theo luật định của những quốc gia khác. Vậy nên TS Ngô Hữu Phước nhận xét: “Tôi nghĩ việc vội vã kết luận và chỉ trích tàu TQ sai trái, xâm phạm EEZ của VN như một số người trên mạng xã hội là không đúng. Họ thực hiện quyền của họ theo UNCLOS thì chúng ta phải tôn trọng. Điều đó khẳng định lập trường của VN là hành xử thượng tôn pháp luật, không có sự phân biệt đối xử chủ quan”.

Nếu nhóm tàu Địa chất hải dương 8 của TQ không thực hiện nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác tài nguyên thì họ được thực hiện quyền tự do hàng hải ở EEZ VN. Không những họ được di chuyển liên tục, mà họ cũng có thể dừng lại tại bất cứ điểm nào mà họ muốn trong EEZ của VN. Nhiều người lo ngại vì họ nghi nhóm tàu TQ sẽ làm điều gì đó vi phạm pháp luật. VN tuyên bố giám sát chặt chẽ tình hình biển Đông nên nếu tàu TQ chưa làm gì sai thì chưa lên tiếng phản đối.

PGS-TS VŨ THANH CA, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo VN) 

Tuy nhiên, phải lưu ý rằng việc thận trọng, cảnh giác với tàu TQ là rất cần thiết. Thứ nhất, nhóm tàu Địa chất hải dương 8 đã từng hành xử trái pháp luật trong EEZ và thềm lục địa VN vào năm ngoái. Thứ hai, tham vọng chiếm biển Đông của TQ là rõ ràng mặc dù yêu sách “đường lưỡi bò” của TQ đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ vào năm 2016. Gần đây, khi thế giới bận rộn chống dịch thì TQ thông báo đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của VN) vào cuối tháng 3; cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá VN vào đầu tháng 4.

Các chuyên gia quốc tế như Kelsey Broderick (nhà phân tích TQ tại Eurasia Group), Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), hay Collin Koh (ĐH Nanyang, Singapore) đều có chung nhận định TQ không vì dịch bệnh hay khủng hoảng trong nước mà từ bỏ tham vọng biển Đông. Thậm chí TQ rất “giỏi” lợi dụng thời cơ để leo thang ở biển Đông.

“Bộ Ngoại giao VN đã cho biết các cơ quan chức năng của VN theo dõi sát các diễn biến ở biển Đông. Tôi nghĩ nếu phát hiện tàu TQ làm sai, chắc chắn chúng ta sẽ phản ứng. Theo đó, về mặt chính trị, VN có thể phản đối qua các kênh ngoại giao khác nhau như gửi công hàm. Về thực địa, VN có thể gia tăng năng lực hải quân, cảnh sát biển để ứng phó. Về pháp lý, VN có thể xem xét các phương án kiện tụng, thông qua các cơ quan tài phán quốc tế can thiệp” - TS Ngô Hữu Phước giải thích.

Quy định về các vùng biển quốc gia

Theo UNCLOS, ngoài vùng nước đặc quyền kinh tế (EEZ) thì mỗi quốc gia ven biển còn có bốn vùng biển khác bao gồm: Vùng nước nội thủy, vùng nước lãnh hải, vùng nước tiếp giáp lãnh hải, vùng thềm lục địa.

Thứ nhất, nội thủy là toàn bộ vùng nước tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Tại nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình. Tất cả tàu thuyền nước ngoài, dù là quân sự hay phi quân sự, khi muốn vào ra phải có sự đồng ý của quốc gia chủ quyền.

Thứ hai, lãnh hải là vùng biển nằm ngoài đường cơ sở, có chiều rộng tối đa là 12 hải lý. Quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải của họ, trong đó chủ quyền đối với đáy biển, lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải và với vùng trời phía trên lãnh hải là tuyệt đối. Tuy nhiên, chủ quyền tại vùng biển này không còn tuyệt đối như vùng nội thủy. Cụ thể, tàu thuyền nước ngoài được quyền qua lại không gây hại ở vùng nước này.

Thứ ba, vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm bên ngoài lãnh hải, tiếp liền với lãnh hải. Vùng biển này không thể mở rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Theo luật quốc tế, quốc gia ven biển có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa các vi phạm về hải quân, thuế, nhập cư, y tế trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình. Ngoài ra, quốc gia ven biển cũng có quyền xử lý các vụ việc vi phạm kể trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.

Cuối cùng là thềm lục địa, (theo Điều 76 UNCLOS) gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mở rộng bên ngoài lãnh hải theo sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền đến mép ngoài của rìa lục địa; hoặc đến khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải nếu rìa lục địa không mở rộng đến khoảng cách đó. Giới hạn tối đa của thềm lục địa không vượt quá 350 hải lý. Các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới