Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 59.000 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng gần 13%, số tử vong tăng 3 trường hợp. Dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 61/63 tỉnh thành phố, trong đó 26 địa phương có số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. 10 tỉnh có số mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Khánh Hòa và Long An. Riêng tại Hà Nội, tuần qua, ghi nhận gần 1.400 bệnh nhân sốt xuất huyết và 2 ca tử vong.
Hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch SXH chiều 24-7
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, dịch SXH có diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng ca bệnh do thời tiết thay đổi, dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Bên cạnh đó, người dân còn chủ quan, xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch. Sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống SXH tại một số địa phương chưa cao. Sau khi vận động đi kiểm tra thấy người dân không thay đổi hành vi, việc phun hoá chất chưa hợp tác và phun chưa triệt để (tại Hà Nội 20% hộ gia đình đi vắng khi diệt bọ gậy, 5% không cho phun hóa chất, 7% hộ gia đinh đi vắng khi phun hóa chất trong ổ dịch)…
Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã xử phạt 75 trường hợp không hợp tác phòng chống dịch; Hà Nội xử phạt một trường hợp tại quận Cầu Giấy. "Tôi đề nghị các địa phương tiếp tục tiến hành xử phạt để nâng cao ý thức người dân trong công tác phối hợp phòng, chống dịch” – Cục trưởng Trần Đắc Phu nói.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả xét nghiệm cho thấy, type virus gây bệnh SXH ở miền Bắc chủ yếu là D1, tại miền Nam là type D2. Hiện chưa có sự biến đổi về chủng vi rút gây bệnh, nhưng đây mới chỉ là đầu mùa dịch, dự báo thời gian tới dịch sốt xuất huyết còn bùng phát mạnh hơn nếu không triển khai các biện pháp phòng, chống quyết liệt.
Trước tình trạng đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kết luận: “Để làm tốt công tác phòng chống SXH, chúng ta không được chủ quan. Quan trọng nhất là phải diệt lăng quăng, việc phun muỗi chỉ là biện pháp “hạ hỏa”. Khi người dân mắc bệnh dứt khoát phải được điều trị kịp thời nhưng không được để quá tải bệnh viện, không được để bệnh nhân nằm ghép. Cần phải có phương án phân tuyến, phân loại bệnh nhân. Tránh tình trạng người nặng nằm với người nhẹ khiến tình trạng bệnh kéo dài, gây nhiễm trùng chéo dễ dẫn đến tử vong…”.