Phanh ABS trên ô tô
Nếu học lái xe cách đây vài thập kỷ, khi hệ thống phanh của xe hoàn toàn là phanh cơ khí, chúng ta sẽ nhận được lời khuyên để an toàn khi sử dụng phanh cần áp dụng kỹ năng nhấn thả phanh liên tục. Nhờ thao tác này mà phanh sẽ không bị bó cứng, bánh xe vẫn có thể lăn trong khi phanh, không bị trượt trên mặt đường và nhờ vậy vẫn có thể điều khiển được tay lái trong khi phanh xe.
Nhưng ABS thực sự an toàn và hiệu quả là hệ thống tự động nhịp phanh ở ngưỡng phanh nên phải cần đến công nghệ thông tin và sensor và công nghệ "drive by wire". Và ABS làm được điều này nhanh hơn hàng chục lần so với bất cứ lái xe lão luyện nào.
“Xe này có ABS không?” đã trở thành câu hỏi cửa miệng của người mua. Ở một số thị trường, ABS trở thành trang bị tiêu chuẩn. Bởi thế, cụm từ ABS thường đi kèm với quan niệm phanh tốt hơn. Khi đi trên phố đông hay đường cao tốc, một số lái xe ít kinh nghiệm thường chủ quan bám sát đuôi xe trước và đi với tốc độ cao hơn vì nghĩ rằng hệ thống phanh xe mình tốt hơn xe khác.
Trên thực tế, bạn sẽ mất 2 đến 3 giây để nhận biết và đạp phanh. Một khoảng thời gian dài hơn thế để xe dừng hẳn kể từ lúc phanh bắt đầu làm việc. Khoảng thời gian này phụ thuộc vào vận tốc, hệ thống phanh. Khoảng cách quá gần khiến bạn đâm vào xe trước, nhẹ là móp đầu, nặng thì hỏng máy, thậm chí cướp đi sinh mệnh của ai đó.
Tại vị trí tiếp xúc giữa lốp xe với mặt đường xuất hiện lực bám dọc và lực bám ngang. Lực bám dọc trùng với phương chuyển động của mỗi bánh xe, thường dọc theo xe. Lực bám dọc lớn giúp xe tăng tốc và phanh tốt hơn. Lực bám ngang vuông góc với lực bám dọc, giúp xe chuyển động ổn định, không bị lắc hay vẫy đuôi cá. Khi bánh xe bị trượt, lực bám dọc đạt đến giới hạn, còn lực bám ngang bằng không, người lái mất khả năng điều khiển hướng chuyển động của xe.
Hệ thống chống bó cứng khi phanh ra đời nhằm ngăn chặn bánh bị trượt gây mất lực bám ngang. Lái xe có thể điều hướng chuyển động xe, tránh chướng ngại vật khi phanh. Máy tính điều khiển giảm áp lực dầu tác động lên xi-lanh phanh, sau đó áp lực dầu lại tăng lại. Cơ chế này được thực hiện liên tiếp giúp duy trì lực bám dọc cao mà vẫn có lực bám ngang. Về nguyên lý, ABS không làm tăng lực phanh thế nên quãng đường phanh không giảm.
Người lái dễ nhận thấy sự khác biệt sự làm việc của ABS khi xe đi ở tốc độ cao và phanh gấp. Bởi vậy, nhiều người quan niệm rằng hệ thống chống bó cứng phanh chỉ làm việc ở tốc độ cao, đây là một quan điểm sai lầm. ABS sẽ làm việc khi bánh xe bị bó cứng hoặc có nguy cơ bó cứng, cho dù xe ở tốc độ nào.
Bạn có thể kiểm chứng được vấn đề này khi lái xe ở tốc độ 50 - 60 km/h trên đường trơn trượt (đường ướt hoặc có băng tuyết) và phanh gấp, Những kiểu đường này có lực bám thấp, bánh xe dễ bị bó cứng. Đạp mạnh và giữ phanh, bạn sẽ cảm nhận được lực tác dụng ngược trở lại từ bàn đạp phanh lúc thì nặng khi lại nhẹ, điều đó chứng tỏ ABS đang làm việc.
ABS trên xe máy
BMW là công ty đầu tiên trang bị ABS cho xe máy vào năm 1988. Thế hệ ABS đầu tiên cho xe máy giống hệt với ABS trên ô tô. Những thế hệ ABS cho mô tô sau này dần dần được cải tiến cho phù hợp với đặc điểm riêng của xe máy. Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa mô tô và ô tô là phanh bánh trước và phanh bánh sau riêng biệt. Trong khi phanh trước được bóp tay thì phanh bánh sau được đạp chân. Để phanh an toàn đòi hỏi 2 bánh trước và sau phải đươc phanh gần như cùng lúc nên ABS motor được bổ sung thêm hệ thống "Phanh Phối hợp" (Combined Braking System, CBS). Nếu người lái chỉ phanh 1 bánh, CBS cũng phân bố lực phanh đến bánh còn lại.
Khi xe tăng tốc, trọng tâm dồn về phía sau (nặng đuôi), ngược lại khi giảm tốc trọng tậm sẽ dồn về phía trước. Ở cả ô tô và xe máy đều có hiện tượng này nhưng ở xe máy quyết liệt hơn. Do đó để phanh xe an toàn và hiệu quả, ABS motor phân bố lực phanh đến bánh trước mạnh hơn bánh sau.
Một nghiên cứu của IIHS cho thấy xe motor 250 phân khối trở lên được trang bị ABS có thể giảm được 37% tai nạn dẫn đến tử vong. Theo nghiên cứu của Cục đường bộ Thụy Điển, đối với xe trên 125 phân khối, nếu trang bị ABS sẽ giảm được 48% tai nạn nghiêm trọng. Năm 2012 Liên minh châu Âu đã quyết định đến năm 2016 xe máy từ 125 cc trở lên đều phải trang bị ABS.
Cho dù trang bị ABS hay không thì việc nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm khi tham gia giao thông mới là biện pháp tốt nhất để phòng tránh tai nạn.
Lời khuyên của chuyên gia Đừng bao giờ phóng nhanh trong lúc bẻ “cua”, đổi lane, hoặc biểu diễn tay lái bằng cách vòng vèo uốn lượn. .. tất cả đều là không an toàn đối với bất cứ loại xe nào. Vận tốc là một yếu tố quan trọng. Lái xe quá nhanh, thì dù ABS có phản ứng nhanh lẹ cách mấy cũng không thể giúp chúng ta triệt tiêu được sức đẩy của quán tính. Mặc dầu bánh xe không bị khóa, xe không trợt đi, bạn có thể bẻ tay lái sang phải hay sang trái, nhưng lực đẩy của quán tính vẫn đưa bạn sang một hướng khác.Đừng “bơm” chân trên bàn thắng, vì làm như vậy hệ thống ABS sẽ mở tắt liên tục. Khi gặp trường hợp nguy cấp, ABS sẽ tự “bơm” giúp chúng ta với một tốc độ nhanh và hiệu quả hơn nhiều, giữ cho bánh xe khỏi bị khóa lại, giúp tài xế điều khiển tay lái dễ dàng hơn. Đừng quên bẻ tay lái khi xe lâm vào tình huống nguy hiểm. ABS chỉ tạo điều kiện cho chúng ta điều khiển tay lái, chứ không thể lái thay chúng ta được. |
Quốc Bảo