Pháp đình cũng bất an

Gia đình bị cáo Hồ Duy Trúc gây náo loạn trong khuôn viên tòa án TP.HCM sau khi nghe tuyên án tử hình bị cáo này - Ảnh: Quang Nguyễn

Sau khi hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP.HCM tuyên án đối với Hồ Duy Trúc và các bị cáo trong băng chặt tay nạn nhân để cướp xe SH, thân nhân bị cáo Trúc có thái độ manh động, khiến phiên tòa trở nên mất an toàn.

Lộn xộn ở các phiên tòa không phải là hiếm. Nhưng đây là một vụ rất điển hình, gây phẫn nộ trong dư luận.

Bất ngờ

Là hai từ mà những người hoạt động trong ngành tư pháp thốt lên khi biết về diễn biến tại phiên tòa xét xử băng cướp chặt tay cướp xe SH diễn ra tại TP.HCM trong hai ngày 24 và 25-12. Bất ngờ là dù Viện kiểm sát đề nghị mức án chung thân cho Hồ Duy Trúc (bị cáo cầm đầu băng cướp) nhưng HĐXX tuyên mức án nặng hơn: tử hình.

Bất ngờ đó là tiếng “ồ” đầy kinh ngạc của những người dự tòa, trong đó có không ít thân nhân các bị cáo. Ngay sau tiếng ồ đầy kinh ngạc ấy là sự lộn xộn kinh hoàng khi mẹ và người thân bị cáo la hét chửi bới HĐXX. Mẹ bị cáo thậm chí còn nằm vạ giữa lúc tòa tuyên án, khiến cảnh sát bảo vệ phải vất vả lắm mới đưa được bà này ra ngoài. Bà đến dự tòa cả hai ngày với gương mặt khắc khổ, mái tóc rối bời. Luật sư Đỗ Hải Bình (bào chữa miễn phí cho bị cáo Trúc) cho biết mỗi lần từ Ninh Thuận đến thăm con, luật sư đều kêu bà nán lại nói chuyện thêm về gia đình nhưng bà đều nói bận và không ở lại. Trước khi tòa tuyên án, luật sư cũng nói chuyện với hai mẹ con bà, đồng thời giải thích nên cố gắng bồi thường cho gia đình các bị hại, dù chỉ một phần, để còn xin giảm nhẹ hình phạt ở phúc thẩm nhưng bà không trả lời.

Bất ngờ nhất là ngay cả luật sư Đỗ Hải Bình cũng bị tấn công từ chính những người thân của Trúc. “Họ chửi tôi sao không cãi cho Trúc xuống còn 8 năm tù mà phải tử hình. Trước đó, tôi có trao đổi rất nhiều với họ nhưng không ngờ họ lại tấn công tôi”.

Bất ngờ ở phiên tòa này chính là các bị hại, ít nhất bảy người trong số các nạn nhân của 15 vụ cướp xảy ra đều bị thương tích nặng ở tay, ở vai hoặc ở gáy bởi những nhát chém lạnh lùng của các bị cáo, nhưng những người này lại tỏ vẻ rất sợ khi nhìn thấy các bị cáo được dẫn giải vào phòng xử. Bị hại Nguyễn Thị Ngọc T. bị chặt rời bàn tay phải nói: “Nếu tôi không may mắn, có lẽ tôi đã chết rồi chứ không thể còn sống để dự tòa hôm nay”. Chị T. nói như thế để trả lời cho vị luật sư bào chữa cho bị cáo sau ngày xét xử đầu tiên, khi vị luật sư này hỏi chị có thể xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo không. Sau đó, chính chị T. là người nhận được nhiều lời đe dọa nhất từ thân nhân các bị cáo, khiến chị không dám rời tòa một mình, lực lượng công an phải đi kèm ra tận cổng.

Bất ngờ là thay vì năn nỉ, xin lỗi các bị hại để họ tha thứ cho những hành vi tội lỗi của con em mình thì thân nhân của bị cáo lại buông những lời đe dọa: “Ra đường tao đâm chết mẹ mày”, hay nói với các nạn nhân: “Tao mà biết tòa tuyên tử hình tao giết con T. trước”...

Và trong khi các bị cáo được đưa đi bằng xe đặc dụng, lực lượng cảnh sát tư pháp không còn ở lại phiên tòa thì những thân nhân của các bị cáo vẫn còn ở lại quậy phá, tiếp tục có những lời khiếm nhã để xỉ vả HĐXX, nạn nhân và cả các nhà báo.

Không thể chấp nhận quậy phá nơi pháp đình

Ông Nguyễn Đức Sáu, chánh tòa án hình sự TAND TP.HCM, cho biết có phiên tòa ông tuyên đến bảy án tử hình (vụ Hải Luận buôn ma túy) nhưng chưa bao giờ ông thấy thân nhân bị cáo manh động như phiên tòa hôm xử băng chém người, cướp xe do Hồ Duy Trúc cầm đầu. Ông Sáu chia sẻ: “Tôi rất thông cảm với mất mát của một người mẹ, nhưng khi chốn pháp đình tôn nghiêm bị quậy phá tưng bừng như vậy là không thể chấp nhận. Điều này thể hiện việc nhận thức pháp luật của người dân rất kém, câu chuyện về sự an toàn của những người hoạt động trong lĩnh vực tố tụng cũng cần thiết phải bàn thêm”.

Trong khi đó, thẩm phán Huỳnh Lập Thành, phó chánh tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, cho biết ông không trực tiếp chứng kiến những sự việc diễn ra tại phiên tòa hôm 25-12, nhưng những gì được phản ánh qua báo chí cho thấy lực lượng cảnh sát tư pháp và cảnh sát bảo vệ không thực hiện hết trách nhiệm của mình. “Trong những phiên tòa có những người manh động như vậy hoàn toàn có thể gọi công an đến lập biên bản để xử lý nghiêm khắc” - thẩm phán Thành nhấn mạnh.

Là người trực tiếp xét xử vụ án trên, thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh cho rằng mỗi vụ có một tình huống người nhà bị cáo có phản ứng khác nhau, nên không thể so sánh vụ này với vụ khác. “Tôi cho rằng mọi diễn biến của phiên tòa xét xử băng cướp Hồ Duy Trúc nên để cho cơ quan chức năng và công luận có ý kiến” - thẩm phán Cảnh bày tỏ ý kiến một cách nhẹ nhàng.

Theo H.ĐIỆP - B.HÀ (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới