Xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới: Phải khuyến khích sự sáng tạo

(PLO)- Trong kỷ nguyên mới, pháp luật phải tạo ra môi trường khuyến khích doanh nghiệp thử nghiệm và sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch và công bằng; pháp luật phải thực sự là công cụ để bảo vệ quyền lợi của Nhân dân và thúc đẩy sự phát triển của đất nước; tăng cường sự tham gia của Nhân dân vào quá trình xây dựng và giám sát hoạt động của nhà nước, đảm bảo tính dân chủ, công khai và minh bạch trong hoạt động của nhà nước... là những kỳ vọng của lãnh đạo các cơ quan tố tụng và các luật sư, chuyên gia trong năm mới 2025 để chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Pháp Luật TP.HCM xin trân trọng giới thiệu các ý kiến tâm huyết này.

kỳ vọng hệ thống pháp luật
HĐXX sơ thẩm đại án đăng kiểm đã ra phán quyết thể hiện được sự khoan hồng, tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước. ẢNh: HOÀNG GIANG

Thẩm phán NGUYỄN THỊ THÙY DUNG, Phó Chánh án TAND TP.HCM:

Tòa án nâng cao năng lực xét xử

thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung
Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án TAND TP.HCM

Năm 2025, tôi kỳ vọng nền tư pháp Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện theo hướng minh bạch, công bằng, và hiện đại hóa. Đặc biệt, ngành tòa án sẽ không ngừng nâng cao năng lực xét xử, áp dụng những cải cách tiến bộ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Tòa án không chỉ là nơi phán quyết công lý mà còn là nơi củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật.

Năm 2025, Luật Tổ chức Tòa án có hiệu lực sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để hệ thống tòa án tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, và hòa mình với đất nước bước vào kỷ nguyên mới của phát triển và hội nhập. Đây sẽ là tiền đề để ngành tòa án cải cách toàn diện, không chỉ về mặt cơ cấu tổ chức mà còn về cách thức vận hành, từ đó góp phần thúc đẩy công lý, công bằng xã hội và mang lại niềm tin cho nhân dân. Tôi cũng kỳ vọng rằng ngành tòa án sẽ tiếp tục đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận công lý của người dân, đồng thời đảm bảo sự minh bạch và công khai trong quá trình xét xử.

Trong suốt những năm qua, Báo Pháp Luật TP.HCM đã không ngừng lớn mạnh và trở thành một trong những cơ quan báo chí hàng đầu trong lĩnh vực thông tin pháp lý. Những đóng góp của Báo không chỉ dừng lại ở việc đưa tin tức pháp luật chính xác, kịp thời mà còn là cầu nối quan trọng giữa cơ quan tư pháp và người dân, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.

Tôi đặc biệt đánh giá cao vai trò của Báo trong quá trình xây dựng chính sách pháp lý, tham gia vào các cuộc thảo luận quan trọng, cung cấp thông tin đa chiều, giúp các cơ quan tố tụng có cái nhìn khách quan và tổng quan hơn khi xem xét, xử lý các vụ án. Các bài viết trên Báo không chỉ đưa ra những quan điểm sắc sảo mà còn đóng góp vào việc bảo vệ công lý, minh bạch hóa hoạt động tư pháp, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật.

Trong bối cảnh xã hội không ngừng thay đổi, và đặc biệt là xu hướng chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, tôi mong rằng Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào báo chí, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, từ đó phục vụ tốt hơn cho bạn đọc. Những bài phân tích pháp lý chuyên sâu, những góc nhìn mới mẻ và những câu chuyện đời thực được phản ánh qua lăng kính pháp luật sẽ là những "món ăn tinh thần" quý giá cho người dân, giúp họ hiểu rõ hơn về các quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội.

Năm mới 2025, tôi hy vọng Báo Pháp Luật TP.HCM phát huy những thành tựu đã đạt được và không ngừng đổi mới để bắt kịp với nhịp sống hiện đại. Đồng thời, tôi tin rằng Báo sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng thông tin pháp lý, không chỉ phản ánh các vấn đề pháp luật mà còn đưa ra những kiến nghị, giải pháp hữu ích để thúc đẩy cải cách tư pháp và bảo vệ công bằng xã hội.

Luật sư TRẦN DUY CẢNH, Luật sư điều hành của Dentons Luật Việt:

Chuyển đổi tư duy trong xây dựng pháp luật

luật sư Trần Duy Cảnh
Luật sư TRẦN DUY CẢNH

Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra yêu cầu chuyển đổi tư duy trong xây dựng pháp luật để vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sự sáng tạo và giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khai thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước; cần dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải linh hoạt trong việc tiếp cận và điều chỉnh chính sách pháp luật, nhằm thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Thay vì việc ngăn cấm hoặc áp dụng các quy định chặt chẽ, pháp luật cần tạo ra môi trường khuyến khích doanh nghiệp thử nghiệm và sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.

Trong quá trình xây dựng pháp luật, việc bám sát thực tiễn là yếu tố quan trọng. Pháp luật không nên xây dựng dựa trên lý thuyết hay mô hình nước ngoài mà không phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Cần có cách tiếp cận linh hoạt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để tránh mất đi cơ hội phát triển.

Đây là yêu cầu khó nhưng nếu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong quá trình xây dựng pháp luật thì lại là một cách tiếp cận hiện đại và một giải pháp hợp lý. Các quy định pháp luật cần phục vụ cho lợi ích của người dân và doanh nghiệp, thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau khi ban hành để kịp thời điều chỉnh những bất cập và mâu thuẫn.

Nhưng muốn được như thế thì sáng kiến luật cần được mở rộng và khuyến khích từ đại biểu Quốc hội, hiệp hội doanh nghiệp, đoàn thể nhân dân. Hạn chế tình trạng chỉ có bộ ngành mới có sáng kiến lập pháp vốn bị cài cắm các quy định bảo hộ ngành đó (nếu có), như lo ngại của người dân lâu nay.

Luật sư NGUYỄN VĂN TRUNG,Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:

Giới luật sư sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Luật sư NGUYỄN VĂN TRUNG
Luật sư NGUYỄN VĂN TRUNG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Đoàn Luật sư TP.HCM đón chào năm mới 2025 với tổng số 8.300 luật sư, chiếm trên 40% tổng số luật sư của cả nước, trong đó có trên 44% là luật sư trẻ ở độ tuổi dưới 40.

Năm qua là năm đánh dấu hành trình 35 năm Đoàn Luật sư TP.HCM xây dựng đội ngũ luật sư từng bước phát triển vững mạnh, vừa đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý của người dân; vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị do Thành phố giao; vừa tham gia tích cực có hiệu quả trong công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí và các hoạt động xã hội-từ thiện.

Kế thừa truyền thống hào hùng của các bậc luật sư tiền bối, đàn anh, đồng thời tiếp thu sự phát triển mạnh mẽ của thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại, đội ngũ luật sư TP.HCM luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc, tích cực góp phần xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại và nghĩa tình.

Hiện nay, trong thời đại chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”, lực lượng luật sư trẻ là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, các bạn luật sư trẻ phải không ngừng học tập, tu dưỡng về tư tưởng chính trị; thường xuyên trao dồi đạo đức nghề nghiệp; cập nhật kiến thức và nâng cao trình độ ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh; vững vàng trước mọi cám dỗ của đời sống, nói không với tiêu cực, không vì danh lợi, tiền tài, sắc dục làm suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống; luôn xứng đáng với sự tin cậy của xã hội và kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.

Báo Pháp Luật TP.HCM là diễn đàn để luật sư tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, là nơi để luật sư thể hiện quan điểm trong hoạt động hành nghề. Báo là cầu nối thông tin giữa các cơ quan chức năng với người dân, phản ảnh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhằm giúp các cơ quan chức năng phục vụ người dân tốt hơn, đồng thời phổ biến, tuyên truyền và giải đáp pháp luật để người dân am hiểu và thực hiện. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Báo với luật sư đã giúp giải quyết được một số vụ án oan sai, đem lại công bằng cho người dân.

Ông CAO MINH TRÍ, Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM:

Viện kiểm sát cấp cao nâng chất nhân sự làm nghiệp vụ

cao-minh-tri.jpg
Ông Cao Minh Trí (bên phải), Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM

Năm 2024, TAND TP.HCM đã xét xử nhiều vụ án trọng điểm, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Do đó trong thời gian tới, VKSND Cấp cao tại TP.HCM sẽ nỗ lực, tập trung cao trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án này.

Đồng thời, VKSND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị các loại án; kiểm sát kịp thời, chặt chẽ các bản án, quyết định của Tòa án; bảo đảm mọi vị phạm pháp luật đều được phát hiện để kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục kịp thời…

Chúng tôi đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm nghiệp vụ, nhằm nâng cao chất lượng công tác; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý chỉ đạo điều hành và thụ lý, giải quyết án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm