TAND TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đang nghiên cứu hồ sơ vụ cố ý gây thương tích. Theo đó, gia đình bà Lý Thị Sự buôn bán tạp hóa ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu. Gia đình chị Hồng Thị Bích Ngân cách nhà bà Sự con đường mương, thường xuyên mua hàng, có đôi khi nợ tiền. Ngày 4-3-2017, bà Sự gặp chị Ngân đòi tiền thì xảy ra cự cãi và đánh nhau. Công an xã Vĩnh Trạch hòa giải không thành, đang tiếp tục xác minh để mời hòa giải tiếp thì 13 ngày sau xảy ra chuyện lớn.
Đánh vì “nhìn cái mặt thấy ghét”
Hôm đó bà Sự xách giỏ đi chợ Vĩnh An thì gặp chị Ngân. Theo cáo trạng thì do “nhìn cái mặt chị Ngân thấy ghét” nên phía bà Sự ẩu đả với chị. Khi được can ngăn thì mọi người ra về. Tuy nhiên, khi đến cầu Vĩnh An, nhóm bà Sự lại gặp nhóm chị Ngân.
Bà Sự nhào đến chị Ngân. Cả hai ngồi đè lên người nhau và đánh qua đánh lại bằng tay không. Lúc này bà Châu Thị Nhị (chị dâu bà Sự) thấy vậy bèn nhào đến đánh phụ cũng bằng tay không. Những người khác trong nhóm bà Sự và nhóm chị Ngân cầm cây, gậy gộc lao vào ẩu đả loạn xạ với nhau...
Lát sau, Nguyễn Tấn Anh (em chồng chị Ngân) hay tin, lấy hai con dao chạy đến chém một nhát vào tay em rể bà Sự. Hậu quả của vụ ẩu đả là chị Ngân bị chảy máu dưới mắt và đuôi cung mày. Bà Sự và bà Nhị cũng bị bầm và sưng ở các vùng trên cơ thể. Tấn Anh bị sẹo ở vai và hông. Những người tham gia đánh nhau cũng bị vài phần trăm thương tích.
Ngay hôm sau, chị Ngân có đơn yêu cầu xử lý hình sự những người gây thương tích cho mình. Còn em rể bà Sự thì bảy tháng sau mới biết mình có quyền yêu cầu xử lý hình sự đối với người chém mình.
Bà Sự, bà Nhị và Tấn Anh cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Hai bà bị truy tố theo khoản 2 với tình tiết có tính chất côn đồ do gây thương tích 20% cho chị Ngân. Tấn Anh bị truy tố theo khoản 1 với tình tiết dùng hung khí nguy hiểm do gây thương tích 8% cho em rể bà Sự.
Bà Sự bị bắt tạm giam gần ba tháng thì được thay đổi thành cấm đi khỏi nơi cư trú. Bà Nhị và Tấn Anh được tại ngoại cho đến nay. Quá trình điều tra, bà Sự kêu oan vì trong khi xô xát, nhiều người chứng kiến bà bị tấn công nhiều nhất. Còn bà Nhị thì cho rằng: “Tôi chỉ vào can ngăn nhưng bị tấn công bằng đá từ phía sau làm chấn thương mắt và té xỉu”.
Vợ chồng bà Lý Thị Sự trình bày sự việc. Ảnh: PL
Có tính chất côn đồ hay không?
Thương tích của chị Ngân được xác định cụ thể là một sẹo ở đuôi cung mày phải, tỉ lệ 1%; một sẹo ở dưới mắt trái, ảnh hưởng thẩm mỹ, tỉ lệ 11%; gãy xương chính mũi, không ảnh hưởng đến chức năng ngửi, tỉ lệ 9%. Tất cả thương tích do vật tày gây nên.
Ngoài việc xử lý hình sự ba người, Công an TP Bạc Liêu còn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 người về hành vi xâm hại sức khỏe của người khác.
Luật sư Vũ Phi Long (cựu phó chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) cho rằng việc cơ quan tố tụng truy tố hai chị em bà Sự với tình tiết có tính chất côn đồ là chưa ổn. Bởi hành vi có tính chất côn đồ là một khái niệm rất trừu tượng, chưa có quy định nào hướng dẫn cụ thể.
Theo ông Long, Công văn số 38/NCPL ngày 6-1-1976 của TAND Tối cao, kết luận của chánh án TAND Tối cao tại hội nghị tổng kết ngành tòa án năm 1995 và hướng dẫn trong báo cáo tổng kết các năm có nhắc đến vấn đề này. Theo đó, “có tính chất côn đồ” được hiểu là hành động của những kẻ coi thường pháp luật, luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của họ thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự của người khác, gây gổ, hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt…
Việc xô xát đánh nhau dẫn đến gây thương tích có tính côn đồ hay không thì phải căn cứ vào nguyên nhân khởi đầu của vụ việc. Trường hợp hai bên cự cãi nhau về một lý do nào đó là chuyện thường xảy ra trong đời sống xã hội, lúc này yếu tố côn đồ không có.
Ông Long cho biết vụ án này, hai bên là hàng xóm sống tại địa phương đã lâu, mua bán hàng hóa thiếu tiền, có mâu thuẫn kéo dài đã được hòa giải nhưng không thành. Sau đó hai bên gặp nhau ở chợ, có đánh nhau nhưng được can ngăn. Như vậy không thể nói hành vi của bà Sự và bà Nhị (trường hợp chứng minh được gây ra thương tích cho chị Ngân) là có tính chất côn đồ.
Cần cụ thể thương tích Điều đáng chú ý là cáo trạng của VKSND TP Bạc Liêu không xác định rõ mỗi bà Sự và bà Nhị gây ra bao nhiêu thương tích, ở vị trí nào trên người chị Ngân, tỉ lệ bao nhiêu. Theo nhiều chuyên gia, cần thiết phải làm rõ những vấn đề này để phân hóa trách nhiệm hình sự đối với từng bị can. Về mặt khách quan, đám đông đánh nhau loạn xạ, có nhiều nam thanh niên cầm gậy gộc nên nếu chưa cho thực nghiệm hiện trường diễn lại hành vi thì chưa thể quy kết chỉ hai người phụ nữ đánh người bị hại. Cụ thể, cần làm rõ hành vi bà Sự ngồi lên người bị hại như thế nào và đánh như thế nào, đánh bằng tay nào xem có phù hợp với vết thương trên người người bị hại không. Đồng thời làm rõ nếu dùng tay đánh có thể gây ra thương tích như kết luận giám định không; lúc bị bà Sự ngồi lên người đánh thì người bị hại có vùng vẫy không, hai tay người bị hại lúc đó làm gì mà không chống đỡ. Cạnh đó, hồ sơ nhập viện của người bị hại ghi nhận thương tích ban đầu như thế nào. Ngoài ra, cần xác định và làm rõ tính khách quan của các nhóm nhân chứng... |