Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM online (PLO) đăng bài viết “Một bị cáo phạm tội giết người bỏ trốn khi đang tại ngoại”, vợ của bị cáo Nguyễn Văn Hảo gửi đơn tới báo cho rằng chồng bà không bỏ trốn mà hiện nay bị bệnh và đang điều trị tại BV Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai). Thực hư việc này ra sao?
Tòa đã ra lệnh bắt tạm giam
Để hiểu rõ hơn sự việc, ngày 12-2-2020, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với lãnh đạo TAND tỉnh Bình Dương. Bởi theo thông tin mà bị hại cung cấp thì thẩm phán (và thư ký của thẩm phán) đang giải quyết vụ án thông báo cho bị hại (gọi điện thoại, có bản ghi âm) phiên tòa ngày 6-2-2020 bị hoãn vì không bắt được bị cáo Hảo và tòa đang làm văn bản đề nghị truy nã Hảo.
Trao đổi với PV, TAND tỉnh Bình Dương cho rằng tòa đã thực hiện đúng trách nhiệm của mình là ra quyết định bắt, tạm giam bị cáo để đảm bảo cho việc xét xử. Còn việc thi hành quyết định này thuộc cơ quan công an. Hiện nay, tòa chưa nhận được kết quả về việc thi hành quyết định bắt, tạm giam này. Tòa cũng đã liên hệ với công an, công an cho biết đang thi hành và sẽ cung cấp kết quả sau. Nếu bị cáo bỏ trốn và cơ quan công an không bắt được thì tòa sẽ ra văn bản đề nghị cơ quan điều tra truy nã theo quy định.
Về thông tin báo chí cung cấp là thẩm phán đang giải quyết vụ án thông báo với bị hại (bằng điện thoại, có ghi âm) việc bị cáo đã bỏ trốn và tòa sẽ ra văn bản đề nghị cơ quan điều tra truy nã, lãnh đạo TAND tỉnh Bình Dương cho biết tòa sẽ kiểm tra lại và có ý kiến sau.
Bà Phạm Thị Mỹ Anh, bị hại trong vụ án. Ảnh: YC
Không nhận được lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú
PV đã liên hệ Công an phường An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương, nơi bị cáo Nguyễn Văn Hảo đang cư trú. Công an phường An Bình cho biết nơi này không nhận được lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo Hảo.
Theo Công an phường An Bình, cho đến khi cán bộ Công an tỉnh Bình Dương xuống xác minh thì cơ quan này mới biết được thông tin tòa đã ra quyết định bắt, tạm giam bị cáo vào ngày 25-12-2019. Ngày 6-1-2020, cán bộ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC10) Công an tỉnh Bình Dương xuống làm việc để thi hành quyết định bắt, tạm giam của tòa. Tuy nhiên, lúc này bị cáo Hảo không có tại địa phương. Qua làm việc, vợ bị cáo Hảo cho biết Hảo đang điều trị tại BV Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai), nhập viện từ ngày 3-1-2020.
Hiện tại, Công an phường An Bình xác nhận Hảo không có mặt tại địa phương.
PV đã liên hệ với VKSND tỉnh Bình Dương và Công an tỉnh Bình Dương để tìm hiểu về việc thực hiện lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của bị cáo Nguyễn Văn Hảo. VKSND tỉnh Bình Dương cho biết viện trưởng hiện bận việc nên không thể tiếp PV, đề nghị PV để lại thông tin cần cung cấp. Công an tỉnh Bình Dương thì hướng dẫn PV phải làm công văn nêu những vấn đề cần cung cấp và thông tin liên hệ, công an tỉnh sẽ liên hệ lại sau. |
Cho bị cáo tại ngoại là đúng hay sai?
TS Lê Huỳnh Tấn Duy (Trưởng bộ môn Luật tố tụng hình sự, ĐH Luật TP.HCM) cho biết: Khoản 1 Điều 123 BLTTHS 2015 quy định cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm đảm bảo sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của CQĐT, VKS, tòa án.
Như vậy, có hai điều kiện để có thể quyết định áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng và có lý lịch rõ ràng. Điều luật cũng đề cập đến mục đích áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là nhằm đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.
Còn đối với biện pháp tạm giam, các trường hợp áp dụng biện pháp này được quy định tại Điều 119 BLTTHS 2015. Khoản 1 Điều 119 BLTTHS 2015 quy định tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
“Như vậy, nếu CQĐT và VKS xét thấy bị can có đủ các điều kiện, theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLTTHS 2015 thì vẫn có thể áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Điều luật này không đặt ra điều kiện về loại tội phạm mà bị can bị khởi tố. Do đó không thể chỉ dựa vào tình tiết bị can bị khởi tố về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 và Điều 15 BLHS 2015 (tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội chưa đạt) để kết luận rằng việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú của CQĐT và VKS là sai” - TS Duy phân tích.
Cạnh đó, TS Duy cho rằng nếu chỉ căn cứ vào loại tội phạm mà bị can Hảo bị khởi tố thì theo quy định tại khoản 1 Điều 119 BLTTHS 2015, CQĐT và VKS có thể bắt tạm giam bị can. “Tuy nhiên, cũng cần lưu ý việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nói chung và biện pháp tạm giam trong trường hợp cụ thể này nói riêng luôn mang tính lựa chọn, thể hiện qua từ “có thể” - một quy phạm pháp luật tùy nghi. Do đó, chúng ta không thể kết luận vì bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng nên bắt buộc phải bị tạm giam” - TS Duy nói.
Phải thông báo cho xã, phường biết việc cấm đi khỏi nơi cư trú Khác với biện pháp tạm giam, biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú không cách ly bị can, bị cáo khỏi gia đình, xã hội và họ vẫn được tiếp tục làm việc. Đổi lại họ bị hạn chế quyền tự do cư trú và đi lại của mình trong một thời hạn nhất định. Khi đó bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ như không đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép; phải có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội... Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan trên sẽ bị tạm giam. Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 123 BLTTHS 2015 thì người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn đó để quản lý, theo dõi họ. Luật sư TẠ MINH TRÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM |