Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, TAND Tối cao đang tổ chức lấy ý kiến của TAND các cấp về lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND Tối cao, trụ sở tòa án quân sự và TAND các cấp. Trước đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến băn khoăn về việc này.
Luật sư VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM:
Tôi không thấy đó là biểu tượng công lý
Với tư cách là người đã phục vụ trong ngành tòa án 36 năm, hiện nay là luật sư, tôi đồng tình ủng hộ việc tôn vinh và dựng tượng vua Lý Thái Tông. TAND Tối cao còn có kế hoạch dựng tượng các cố chánh án TAND Tối cao để tưởng niệm, ghi nhận về công lao của họ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nền tư pháp (nên là tượng bán thân).
Tuy nhiên, tất cả tượng nói trên chỉ tạo dựng, tập trung vào một địa điểm duy nhất, đó có thể là trong khuôn viên của TAND Tối cao hoặc một công viên, một địa điểm công cộng tại Hà Nội, tạo thành điểm nhấn tham quan du lịch, học tập của cộng đồng. Không nên dựng tượng vua Lý Thái Tông tại các trụ sở tòa án (kể cả tòa án cấp cao) tại địa phương.
Bởi khái niệm công lý được xã hội hướng đến không chỉ dành riêng cho tòa án mà còn được xã hội mong muốn ở các nhánh quyền lực hoặc quan hệ ứng xử, phương diện khác. Trụ sở tòa án là nơi tranh tụng, xét xử bao gồm nhiều thành phần tham gia và ai cũng mong muốn có công lý cho mình. Việc tòa án tự suy tôn, dựng tượng vua Lý Thái Tông và cho đó là biểu tượng công lý cần hướng đến cho mọi người (tầm quốc gia) sẽ gây ra những tranh cãi, lý luận không cần thiết bây giờ và mai sau.
Việc đưa một nhân vật lịch sử (người thật, việc thật) vào làm biểu tượng cho công lý là khiên cưỡng, không khái quát được ý nghĩa công lý. Khái niệm công lý chưa bao giờ được định nghĩa rõ ràng, chính thống. Xây dựng một hình tượng của một con người cụ thể và cho đó là biểu tượng công lý sẽ làm lệch lạc nội hàm hai khái niệm pháp luật (khả biến) và công lý (bất biến).
Mô hình tượng vua Lý Thái Tông nhìn về trang phục, áo mão giống Trung Quốc, hao hao tượng vua Lý Thái Tổ (ở vườn hoa Hà Nội) nhưng có thêm cầm sách, cầm gươm hoặc cầm cái cân (hình tượng sự công bằng - mượn ý từ phương Tây). Về cảm nhận, tôi không thấy đó là biểu tượng công lý.
Ba mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. (Ảnh do TAND Tối cao cung cấp)
Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Năm điểm băn khoăn
Thứ nhất, theo thông lệ quốc tế, các quốc gia như Nhật Bản, Cộng hòa Czech, Hong Kong, Thụy Sĩ, Canada, Đức, Brazil, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Úc… đều lấy hình tượng nữ thần công lý (tiếng Anh: Lady of Justice) làm biểu tượng của công lý, pháp luật, xét xử công bằng. Nguồn gốc của Lady of Justice là Iustitia (được giới thiệu lần đầu bởi hoàng đế Augustus), nữ thần của công lý trong thần thoại Hy Lạp và La Mã.
Theo đó, tùy vào mỗi nơi, nữ thần công lý thường được khắc họa, miêu tả với ba biểu tượng đặc trưng: Cầm một thanh gươm biểu tượng cho quyền lực cưỡng chế, quyền uy của tòa án; một chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác, biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị; một chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho ý tưởng công lý “mù lòa”, đề kháng, đối lập lại những áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài.
Thứ hai, thực tế, tại Việt Nam, tượng nữ thần công lý vẫn được coi là biểu tượng của công lý, pháp luật, xét xử công bằng và được đặt tại khu xử án hình sự của một số tòa. Vì vậy, việc tạo ra một biểu tượng công lý mới là chưa thật sự cần thiết.
Thứ ba, vua Lý Thái Tông là một vị vua lỗi lạc của dân tộc, có nhiều công trạng trong việc giữ gìn hòa bình, thịnh trị cho đất nước dưới thời nhà Lý. Tuy nhiên, vào thời kỳ này, dưới góc độ pháp luật trong chế độ quân chủ chuyên chế chưa có sự phân định rạch ròi về quyền lực nhà nước, vua là người trị vì tối cao, nắm mọi quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Như vậy, việc lấy hình tượng một vị vua để làm biểu tượng riêng cho hoạt động xét xử là chưa thật sự thỏa đáng.
Thứ tư, việc lựa chọn biểu tượng công lý mới sẽ làm phát sinh thêm rất nhiều chi phí, tốn kém nhân lực không cần thiết cho việc thi công tượng, đặt tượng, chi phí bảo vệ, bảo trì… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành toàn cầu, kinh tế thế giới và cả Việt Nam còn khá lâu nữa mới có thể hồi phục. Do vậy, thời điểm này, việc thi công tượng là chưa phù hợp.
Thứ năm, việc lựa chọn một biểu tượng công lý mới có thể sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn, bởi vẫn còn án oan, sai xảy ra. Việc lựa chọn một biểu tượng công lý không thể sánh được với việc bản thân hệ thống tòa án tự mình rèn giũa kiến thức, đạo đức và kỹ năng hành nghề. Mục đích là hạn chế tối đa việc xét xử oan, sai và đây mới là điều mà nhân dân mong mỏi ở ngành tòa án.
Đại biểu LƯU BÌNH NHƯỠNG, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội:
Chưa nên thực hiện
Tôi có tham khảo nhiều ý kiến, họ cho rằng vua Lý Thái Tông chưa hẳn đã là biểu tượng công lý của ngành tòa án.
Trong ngành tư pháp, Bác Hồ đã từng dạy cán bộ rằng: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”. Đây là những phẩm chất cần phải có trong ngành tòa án như phải tuân thủ pháp luật, không áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, tất cả phải vì sự công bằng, làm việc bằng cái tâm trong sáng, vô tư.
Tôi thấy Bác Hồ là hình ảnh tượng trưng và đẹp nhất. Hiện nay, hầu hết các cơ quan đều có ảnh hoặc tượng Bác Hồ, do đó không nhất thiết cứ phải chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của ngành tòa án.
Hiện nay, nhiều tòa án còn có cơ sở khá chật hẹp, vậy nên tôi cho rằng tạm thời chưa nên xây dựng tượng vua Lý Thái Tông mà nên dùng số tiền này để trang bị cơ sở vật chất, nâng cao hoạt động xét xử của ngành tòa án thì thiết thực hơn.
Vì sao lựa chọn vua Lý Thái Tông? TAND Tối cao thuyết minh vua Lý Thái Tông (1028-1054) khi trở thành hoàng đế, ông thân oan, đặt luật, trị quốc thân dân, đưa đất nước bước vào thời kỳ hoàng kim, thái bình, thịnh trị và trở thành tấm gương bảo vệ công lý tiêu biểu nhất thời đại quân chủ Việt Nam. Ngoài ra, vua Lý Thái Tông đã ban hành bộ “Hình thư” - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật. Ông đã thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh. Đáng chú ý, vị vua này trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị hoàng đế rất mực thương yêu dân. Ông chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi lên ngôi hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông. Ông đã để lại bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho thời đại. TAND Tối cao cho rằng việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp. Mục đích dựng tượng vua Lý Thái Tông là hướng tới xây dựng một hình tượng lịch sử, đại diện cho hoạt động xét xử, biểu tượng của công lý trong lịch sử Việt Nam. Dự kiến chất liệu tượng và khối phụ trợ được đúc bằng đồng đỏ nguyên khối. Chiều nay họp hội đồng nghệ thuật mở rộng Theo lịch, chiều 28-4 Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ chủ trì phiên họp mở rộng của hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông (nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam) và cố chánh án TAND Tối cao các thời kỳ để nghiên cứu thảo luận cho ý kiến với các mẫu phác thảo. Được biết, có bốn chánh án TAND Tối cao đã mất sẽ được dựng tượng bán thân tại trụ sở TAND Tối cao. Hiện nay, trong phòng hội đồng thẩm phán của TAND Tối cao đã có tượng của cố Chánh án Phạm Văn Bạch. Do xây dựng trụ sở mới có sảnh rộng nên TAND Tối cao tính sẽ có thêm tượng của các cố chánh án còn lại để trưng bày trang trọng tại đây. NGHĨA NHÂN |