Chiều 17-9, xử phúc thẩm lần hai vụ án bắt giữ người trái pháp luật, TAND TP.HCM tiếp tục hủy toàn bộ bản án của TAND quận Tân Bình để điều tra lại theo thủ tục chung.
HĐXX phúc thẩm lần hai nhận định: Quá trình điều tra chưa làm rõ lời khai của bạn vợ chồng bị hại về việc chứng kiến Công an phường 2 (quận Tân Bình) đến giải quyết việc trình báo việc bắt, giữ người trái pháp luật; không làm rõ vai trò của người đã gọi taxi đưa bị hại về quán cà phê Trung Nguyên.
Lời khai của vợ bị hại mâu thuẫn với lời khai của bị hại trong việc khi công an phường đến giải quyết tin báo tội phạm vào lúc 13 giờ thì bà này khai bị hại nói với công an là tự thỏa thuận việc giải quyết nợ với hai bị cáo. Trong khi đó bị hại thì khai bị khống chế, không dám trình báo khi công an đến làm việc.
Quá trình điều tra cũng chưa làm rõ lời khai của một bị cáo về việc có một người của Bộ Công an đến tiếp xúc, chụp ảnh, lấy lời khai của bị hại.
Trước đó, ngay sau khi TAND quận Tân Bình tuyên án một năm bốn tháng ba ngày tù (bớt hai tháng tù so với án sơ thẩm lần một) về tội danh này, ông Phan Văn Hùng, một trong bốn bị cáo của vụ án, đã làm đơn kháng cáo kêu oan.
Ông Phan Văn Hùng: "Tôi không thuê hay nhờ người bắt giữ, đánh đập hay áp đảo tinh thần bị hại".
Theo hồ sơ, từ năm 2009 đến 2014, trong quan hệ làm ăn ở lĩnh vực san lấp mặt bằng, ông LVM nợ tiền của ông Hùng. Tháng 6-2014, được báo tin là ông M. mới trúng hợp đồng nên ông Hùng đi từ TP Cần Thơ lên TP.HCM để đòi nợ.
Sáng sớm 16-7-2014, ông Hùng cùng hai người nữa canh me trước nhà ông M. ở đường Hà Huy Giáp (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM).
Sau đó, ông Hùng cùng một nhóm người câu lưu ông M. ở quán cà phê trên đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình) suốt từ 9 giờ sáng đến hơn 16 giờ cùng ngày. Trong thời gian này, ông M. có gọi về cho vợ để mang giấy tờ nhà, đất đến và trên đường đến quán thì bà này đã báo cho công an phường.
Khoảng 13 giờ, hai chiến sĩ công an phường đến để xác minh tin tố giác. Do không thấy gì bất thường nên hai công an đi về. Sau đó, vợ ông M. tiếp tục gọi điện thoại cầu cứu thì đến 16 giờ, công an phường đến quán cà phê và mời cả nhóm về phường làm việc. Ông Hùng và ba người nữa cùng bị khởi tố về tội bắt giữ người trái pháp luật theo khoản 1 Điều 123 BLHS (cũ).
Đầu năm 2016, xử sơ thẩm lần một, TAND quận Tân Bình tuyên phạt ông Hùng và hai bị cáo khác một năm sáu tháng ba ngày tù (bằng thời gian tạm giam và được tự do tại phiên tòa). Bị cáo còn lại không bị tạm giam thì bị tòa tuyên một năm tù nhưng cho hưởng án treo. Theo tòa, các bị cáo có hành vi đe dọa dùng vũ lực để buộc ông M. đến quán cà phê và giữ ông từ 9 giờ đến 16 giờ. Tuy các bị cáo không thừa nhận hành vi nhưng căn cứ vào các chứng cứ khác trong hồ sơ thì đã có cơ sở kết luận các bị cáo đã phạm tội như cáo buộc của VKS.
Ba bị cáo không kháng cáo, riêng ông Hùng kháng cáo kêu oan. Ông Hùng cho rằng: "Tôi từ Cần Thơ lên Sài Gòn để lấy tiền nợ và khó khăn lắm mới gặp được ông M. Do không giải quyết được nên mới đưa ông M. đi gặp một người nữa để ba mặt một lời. Chúng tôi gặp nhau, giải quyết nợ nần ở quán cà phê đông khách và các nhân viên phục vụ. Vợ chồng ông M. còn đồng tình ngồi tại quán đến tận 16 giờ cùng ngày. Tôi không thuê hay nhờ người bắt giữ, hay đánh đập và không có hành vi nào áp đảo tinh thần ông M. Khi công an phường đến quán cà phê để xác minh thì vợ chồng ông M. không kêu gọi sự hỗ trợ nên công an đã ra về".
Tháng 6-2016, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã thống nhất quan điểm với VKS cùng cấp, tuyên hủy để điều tra, xét xử lại với tất cả bị cáo về phần tội danh và hình phạt. Theo tòa phúc thẩm, căn cứ các lời khai và đối chiếu camera tại quán thì không rõ ông M. có thể hiện sự phản kháng đối với việc đi vào quán cà phê hay không. Thậm chí, vợ ông M. còn khai là khi công an phường đến thì mọi người nói không có gì nên họ mới ra về…