Không chấp hành án, bà Diệp Thảo có thể bị xử hình sự

Ngày 6-6, đại diện Cục Thi hành án đã tiến hành lập biên bản về việc vi phạm hành chính đối với bà Lê Hoàng Diệp Thảo liên quan đến việc không thi hành án bản án.

Theo đó, biên bản được lập tại số nhà 31 Tú Xương, P.7, Q.3, địa chỉ được cơ quan thi hành án đã thông báo trước đó buộc bà Thảo phải có mặt vào lúc 9 giờ sáng 6-6 để thi hành các khoản nội dung liên quan đến bản án số 51 ngày 12-11-2018 của TAND cấp cao tại TP.HCM. 

Chấp hành viên của Cục Thi hành án cùng cán bộ tư pháp phường, cảnh sát khu vực, Chủ tịch UBND và Phó trưởng công an P.7, Q.3... trước sự chứng kiến của tổ trưởng tổ dân phố 56 cùng người được thi hành án là đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (viết tắt là TNH) đã lập biên bản vi phạm hành chính với bà Thảo. 

Trước đó bà Thảo có đơn tố cáo Chấp hành viên lạm quyền và cho rằng Công ty TNH đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và con dấu mới từ ngày 20-10-2015. Hiện bà Thảo không chiếm giữ, đóng dấu… như Cục Thi hành án Dân sự TP đề cập.

Căn nhà số 31 Tú Xương. 

ThS Huỳnh Thị Nam Hải (giảng viên trường Đại học Kinh tế Luật TP.HCM) cho rằng việc tống đạt các thông báo, quyết định về thi hành án cũng như các buổi làm việc với đại diện phía bà Thảo đã được Cục THADS tiến hành hợp lệ nhưng bà Thảo vẫn không tự nguyện thi hành nên phải bị cưỡng chế THA. Để có cơ sở cho việc cấp các giấy tờ, con dấu mới và hủy các giấy tờ cũ của Công ty TNH mà bà Thảo đang chiếm giữ trái phép thì cơ quan THA tiến hành cưỡng chế giao trả giấy tờ theo Luật THADS. “Việc cưỡng chế của Cục THADS TP.HCM là đúng”, ThS Hải nói.
Mặt khác, ThS Nguyễn Nhật Khanh (giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM) cho biết: Theo quy định của Nghị định số 110/2013 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015) quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, thi hành án dân sự... thì bà Thảo đã có hành vi vi phạm đó là “đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng”. Hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định số 110/2013. (Cơ quan thi hành án đã lập biên bản VPHC đối với hành vi này của bà Thảo).
Ngoài ra, việc bà Thảo không có mặt tại địa điểm thi hành án để thực hiện việc “hoàn trả cho Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đăng ký thuế của công ty” còn có thể bị xử phạt từ từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi “Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định số 110/2013.
Cũng theo hai chuyên gia, nếu sau khi cơ quan có thẩm quyền xác minh và có kết luận xác định bà Thảo cố tình cất giấu con dấu và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên để không chấp hành bản án mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành hành án theo Điều 380 BLHS 2015 với mức án cao nhất lên đến 5 năm tù.

Nói cách khác, bà Thảo đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, nếu sau khi cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính bà về hành vi này mà bà vẫn tiếp tục vi phạm thì bà có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm