Lê Hoàng Diệp Thảo là một trong những tên tuổi được chú ý nhất hiện nay trong giới nữ doanh nhân Việt Nam. Là một trong hai nhân vật chính trong vụ ly hôn mà dư luận và truyền thông đặc biệt quan tâm, chị Diệp Thảo đối diện với nhiều quan điểm trái chiều về vai trò, trách nhiệm và năng lực của chị khi làm kinh doanh, cũng như khi làm vợ và làm mẹ trong một gia đình nổi tiếng.
Chúng tôi đã tìm gặp chị Diệp Thảo, xin không lạm bàn đến chuyện gia đình của chị, mà đơn giản là để lắng nghe “nữ tướng ngành cà phê” chia sẻ về tầm nhìn, khát vọng, hành động của mình sau những biến cố lớn của cuộc đời.
Tiếp chúng tôi tại quán cà phê King Coffee (Quận 10, TP.HCM), chị Diệp Thảo vui vẻ và thẳng thắn chia sẻ với chúng tôi nhiều điều đáng suy ngẫm. Pháp luật TP.HCM xin được chuyển đến độc giả nội dung cuộc trò chuyện thú vị này.
+ Phóng viên:Chào chị, cảm ơn chị đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này. Sức khỏe và tinh thần của chị hiện ra sao sau khoảng thời gian khó khăn vừa qua?
. Khoảng thời gian qua là những thử thách quá lớn đối với tôi và gia đình. Chưa từng có khoảng thời gian nào khó khăn hơn thế. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nhắc nhở bản thân mình phải mạnh mẽ để vượt qua. Tôi cho rằng chuyện gì xảy ra đối với mình đều có lý do cả. Khi mình có đủ niềm tin, nghị lực, trí tuệ để vượt qua thì tôi tin mình sẽ có thể làm được những điều tốt đẹp hơn cho cuộc đời mình. Vì vậy nên bây giờ, tôi có thể tự tin nói với bạn rằng tôi vẫn ổn.
+ Những ai là người giúp chị đứng vững trong thời gian sóng gió?
. Tôi luôn dựa vào bản thân mình trước hết. Các con cũng là những người động viên tôi rất lớn, và tôi luôn nhìn vào các con để có động lực để vượt qua tất cả.
+ Nhiều người hình dung về chị thế này: sinh ra làm tiểu thư trong gia đình giàu có, lấy một người chồng sớm thành công, bây giờ chị cũng là doanh nhân có khối tài sản lớn. Nói tóm lại là chị có… số giàu. Sự hình dung này có đúng về cuộc đời của chị không nhỉ?
Trung Nguyên có hơn 5000 cán bộ nhân viên, có rất nhiều đại lý cùng Trung Nguyên phát triển. Làm giàu cho xã hội, thay đổi cuộc sống, đó chính là sự giàu có mà tôi mong muốn nhất.
+ Bắt đầu lại sau tuổi 40, có thể nói là khởi nghiệp lại, điều này có khó khăn đối với chị không?
. Tôi thường phải khởi nghiệp nhiều lần (cười). Các lần trước thì tôi không ngại khó khăn nào cả. Lần này, tôi buộc phải khởi nghiệp lại bởi những biến cố gia đình. Điều này thật khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng vượt qua. Tôi cần phải làm chỗ dựa cho gia đình mình đi qua biến cố lớn này, có thể nói là biến cố lớn nhất cuộc đời tôi.
+ Có thể nói giờ chị là một trong những nữ doanh nhân nổi tiếng nhất Việt Nam, nhất cử nhất động đều được truyền thông chú ý. Chị cảm thấy thế nào?
. Chắc có lẽ cái tên Trung Nguyên đã có sự nổi tiếng từ xưa đến nay, tôi đã quen với điều này rồi, nên chắc là… cũng không sao.
+ Suy nghĩ của chị về người phụ nữ hiện đại và các nữ doanh nhân?
. Phụ nữ hiện đại là người có thể phát huy mọi thế mạnh của mình, sống hạnh phúc và xây dựng gia đình hạnh phúc. Thế mạnh đó có thể là nấu ăn ngon, giỏi tề gia nội trợ, giỏi nuôi dạy con cái, hoặc bất cứ thế mạnh nào khác.
Riêng về nuôi dạy con cái, đây là công việc đẹp đẽ, thiêng liêng, thú vị nhưng không ít khó khăn. Một người mẹ nuôi dạy con cái tốt chắc chắn là một người phụ nữ tuyệt vời.
Tôi vẫn mong các chị em có một cuộc sống yên ổn. Mong rằng không ai phải lớn lên từ những biến cố như thế này. Những khó khăn nên đến từ bên ngoài hay từ công việc, chứ đừng nên đến từ phía gia đình. Tề gia trước đã rồi mới trị quốc và bình thiên hạ.
+ Bản thân chị cảm nhận cá tính của mình như thế nào so với hình ảnh một người phụ nữ hiện đại hay một doanh nhân?
. Việc đánh giá bản thân tôi nghĩ người khác đánh giá sẽ hay hơn. Nhưng nếu phải nói về mình thì tôi là một phụ nữ rất độc lập và có khát vọng, dám nói làm làm, thậm chí là dám làm khác. Phụ nữ khi cần, cũng phải có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.
+ Mục tiêu sắp tới của chị trong ngành cà phê là gì?
. Mục tiêu trong công việc của tôi chính là phát triển các thương hiệu lớn trong ngành cà phê Việt Nam. Không chỉ đưa thương hiệu Việt ra thế giới mà còn phải kích cầu trong nước. Tỷ lệ tiêu dùng nội địa khoảng 1,8 kg/người/năm, khá thấp so với nhiều nước khác, ví dụ như Thái Lan là 3,5 kg, Nhật Bản là 9,5 kg. Gia tăng kích cầu trong thị trường nội địa cũng là một quyết sách chiến lược giúp thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Điều này cũng giúp tăng giá trị cà phê Việt Nam. Tôi hy vọng trong 10-20 năm tới, người Việt Nam sẽ tiêu dùng khoảng 5-6 kg/năm.
+ Chị có mục tiêu nào với ngành cà phê gắn liền với lợi ích cộng đồng?
. Tất nhiên là có chứ. Để thực hiện mục tiêu vì cộng đồng của mình, tôi đã triển khai quỹ Happy Farmer (tạm dịch: Nông trại Hạnh phúc – PV). Tôi muốn giúp cho người nông dân có cuộc sống hạnh phúc hơn. Quỹ này hỗ trợ con em những người nông dân trồng và sản xuất cà phê có điều kiện để phát triển. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ nông dân hiểu biết và ứng dụng các chiến lược đầu tư vào ngành cà phê. Nông dân cần được an tâm về cuộc sống của họ khi lao động.
Ở tầm nhìn dài hạn, từ đây về sau các hoạt động kinh doanh của tôi luôn có mục tiêu đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Quỹ Happy Farmer sẽ đi cùng tập đoàn lâu dài, đây là lời cam kết của tôi về trách nhiệm với xã hội. Trung Nguyên thời gian qua có nhiều biến động thay đổi, và nếu có cơ hội thì tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh và phát triển hơn nữa các hoạt động vì cộng đồng của Trung Nguyên.
Xin cảm ơn chị.