Người dân Bao Vinh muốn ‘trả lại’ tấm bản đồ quy hoạch cho nhà nước để lấy lại quyền tự quyết trong việc đập bỏ hay sửa chữa những ngôi nhà gần 150 tuổi nếu chính quyền vẫn không có một chiến lược cụ thể và quyết tâm cao.
Bước vào tháng 2 âm lịch, Huế kết thúc mùa mưa, cũng là lúc bà Phan Thị Diệu Liên (78 tuổi) cùng chồng Phạm Văn Tâm (80 tuổi) ở xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế tháo dỡ những tấm bạt che mưa cũ kỹ trong căn nhà gỗ xuống cấp qua bốn đời người sử dụng.
Không nhớ rõ việc này xuất phát từ lúc nào, nhưng cứ đến mùa mưa ông bà lại lấy tấm bạt che dưới mái nhà. Ở giữa tấm bạt có khoét một lỗ nhỏ để nước mưa đổ về một điểm đã đặt sẵn cái thau hứng dưới sàn, tránh tràn ra xung quanh.
Trong căn nhà vốn là lầu son gác tía một thời, giờ chỗ ngủ của cả gia đình đều phụ thuộc vào ông trời. Vào mùa mưa, bà Liên chọn những chỗ khô ráo để đặt chiếc giường xếp ngả lưng. Nhưng có hôm, người tính không bằng trời tính, bà chợt tỉnh giấc vì bị nước mưa bắn vào mặt, rồi không tài nào chợp mắt được nữa, cứ trằn trọc nhìn lên cái ‘di sản’ mình đang sống.
15 năm trôi qua như chớp mắt, chẳng thấy khách du lịch đâu, chỉ có những nét chân chim trên khuôn mặt của bà Liên ngày càng in đậm. Gác lại giấc mơ làm du lịch, hai ông bà sống qua ngày nhờ vào cái cửa hàng tạp hóa đặt ngay trong căn nhà cổ tồn tại 140 năm tuổi.
Bao Vinh cách trung tâm thành phố Huế chừng 3 km về hướng đông bắc, nằm bên sông Hương có dòng nước trong xanh và dòng chảy lững lờ mang màu sắc u hoài. Vẻ đẹp tự nhiên kết hợp với những ngôi nhà cổ nằm san sát nhau mang đến một không gian thư thái, bình yên và thôn dã làm mê mẩn lòng người. Nhưng đó là câu chuyện của hàng chục năm trước qua lời kể của bà Liên.
Bà Liên đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả nhà. Không có gian bếp nên chiếc bếp than đặt ngay phía cửa vào, khói hun hút bao trùm khắp ngôi nhà. “Ngày xưa ở đây toàn là nhà cổ, đông đúc người qua lại. Giờ thì còn được khoảng 10 ngôi nhà kiểu chắp vá, xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có tiền để sửa” – bà Liên nói.
Căn nhà cổ của bà Liên có hai tầng, trèo lên hết chiếc cầu thang gỗ, một không gian trống rỗng không có một vật dụng gì ngoài chiếc nệm mà ông Tâm nằm ngủ mỗi ngày. Những chiếc ván lát trên tầng hai cũng ọp ẹp rung chuyển khi có bàn chân đặt lên.
Để sửa theo những căn nhà cổ là rất khó đối với gia đình bà Liên cũng như nhiều gia đình ở đây. Hàng ngày, họ bất lực nhìn những cái kèo, cái cột của cái gọi là ‘di sản’ rơi rụng vì thiếu kinh phí.
Không đủ tiền, gia đình ông Tâm bà Liên thường chia nhỏ ra để sửa, để lại những vùng loang lỗ mới - cũ trong căn nhà. “Làm gì đủ tiền để sửa theo như cũ, nên khi sửa lại toàn sử dụng những vật liệu mới hiện nay” - vừa nói ông Tâm chỉ tay lên mái ngói của ngôi nhà, vừa được ông bà thay từ ngói liệt sang ngói mới.
Nhà của ông Nguyễn Ngọc Vân (70 tuổi) là nhà tứ giác mang một kiểu kiến trúc Việt - Pháp độc đáo hơn 100 năm tuổi. Nhà bao gồm hai tầng được chống đỡ bằng các tường gạch đặc. Căn nhà ông nằm sát bờ sông nên phía sau nhà bị sụt lún nghiêng ra hướng bờ sông, không biết hà bá sẽ nuốt chửng lúc nào.
Ông Vân còn nhớ như in vào trận lũ năm 2017, con sông vốn hiền hòa trở nên hung dữ, dòng nước bạc đổ về cuồn cuộn rồi dâng lên cao. Vì sợ căn nhà bị dòng nước cuốn trôi nên ông Vân chở đứa cháu hai tuổi của mình đến nhà một người quen ở trung tâm thành phố ở ké, hết lũ lại đón về.
Trong căn nhà chi chít những vết nứt, chúng tôi không thấy một cái giường cố định nào cả, chỉ có những cái giường xếp, những tấm nệm nhỏ để tiết kiệm diện tích mỗi tối. Điều ông Vân day dứt là nhà quá chất hẹp và xuống cấp, con cháu ngày một lớn lên không đủ chỗ để đặt cái bàn học, cái tủ áo quần.
Tiết kiệm diện tích, ở trên những bức tường những chỗ nào còn trống ông Vân đặt lên những chiếc sọt để đựng mọi vật dụng trong nhà. “Bây giờ nhà xuống cấp, nhưng chính quyền bảo phải để vậy nên rất khó khăn. Tuy nhiên khi đã xuống cấp quá không có khả năng ở nữa thì người dân cũng đành tự cải tạo sửa chữa” - ông Vân nói.
Bao Vinh dường như đúng với lời nói của Thủ tường Nguyễn Xuân Phúc nói với lãnh đạo 19 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tại Hội nghị phát triển du lịch vào tháng 2 năm 2019, đó là: Việc nhiều tài nguyên du lịch đôi khi cũng là một bất lợi khiến chúng ta khó tìm được bản sắc, thương hiệu, lưỡng lự ưu tiên đầu tư khi nguồn lực có giới hạn. Nhiều tài nguyên có khi là cái bẫy dẫn đến sự thiếu quan tâm, chắt chiu đúng mặt trong quản lý khiến tài nguyên dễ bị lãng phí, bởi tài nguyên dẫu có vô tận nhưng nếu không biết khai thác thì cũng bị cạn kiệt, suy thoái.
Bao Vinh suốt một thời gian dài bị lãng quên trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ vì cùng thời điểm này tỉnh Thừa Thiên - Huế có quá nhiều công trình đều trong tình trạng ‘cấp cứu’, đang xếp hàng để đợi trùng tu trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp.
“Bây giờ người ta đến Bao Vinh thì chẳng còn gì mà nói cả. Chỉ còn lại trong lịch sử thôi, người ta nhìn vào căn nhà này là có một cảm giác về một thời vàng son của Bao Vinh ngày xưa”- ông Tâm nói.
Từ gần 40 căn nhà cổ từ năm 1991 đến nay chỉ còn 10 ngôi nhà còn tồn tại trong tình trạng chắp vá, xuống cấp. Trong những căn nhà ‘chạy’ khỏi phố cổ, có những căn nhà ‘biến mất’ ngay trước thềm quy hoạch (năm 2003), những căn nhà ‘bay hơi’ do người dân bán lại bộ giàn giá gỗ hoặc đập bỏ xây mới rải rác từng ngày mà chính quyền không thể nào xử phạt được.
Những căn nhà còn lại sau thời gian dài sử dụng ngày càng trở nên chật hẹp vì nhân khẩu trong nhà ngày mỗi tăng. Người dân khó khăn trong việc sửa chữa, mua bán, tách thửa. Tại các cuộc họp ở địa phương, các buổi tiếp xúc cử tri và cuộc họp HĐND gần đây câu chuyện Bao Vinh luôn được đem ra mổ xẻ.
Trước đây, Bao Vinh còn trên 40 ngôi nhà cổ nhưng hiện nay số lượng đếm trên đầu ngón tay, trước sự bất lực của chính quyền xã và những chủ nhân của các ngôi nhà. Hiện nay Bao Vinh đang quy hoạch treo khó khăn cho người dân trong quan hệ giao dịch, sửa chữa và tách thửa…
Kính gửi Đoàn đại biểu quốc hội!
Vẫn biết Bao Vinh và cảng Thanh Hà một trong những điểm đến của du lịch Huế, nhưng việc khôi phục lại là vô cùng khó khăn vì ngoài việc không còn vốn thì chúng ta cũng chưa có một chiến lực cụ thể và quyết tâm cao.
Đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ và tỉnh Thừa Thiên – Huế xem xét lại quyết định điều chỉnh bổ sung hoặc hủy bỏ cho phù hợp với thực trạng và khả năng. - Lời cử tri Bao Vinh tại cuộc tiếp xúc cử tri dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện (tháng 6 năm 2018).