Nạn xâm hại tình dục: Luật đang theo đuôi cuộc sống

Dù ông ta có biện minh ông chỉ “nựng” bé gái nhưng trong cái nhìn của người đời, hành vi này rõ ràng là quấy rối, tấn công tình dục, tức gây nguy hiểm cho xã hội.

Trước đó, nhiều vụ quấy rối tình dục từng gây bức xúc, căm phẫn trong dư luận nhưng cuối cùng chỉ bị phạt hành chính 200.000 đồng - một mức phạt ngang bằng với việc ngồi trên ô tô đang chạy mà quên thắt dây an toàn! Đó là vụ người đàn ông ép hôn nữ sinh trong thang máy ở quận Thanh Xuân, Hà Nội; vụ một chuyên viên ôm hôn, sờ soạng, cắn môi đồng nghiệp ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị… và nhiều vụ khác nữa.

Sở dĩ cơ quan chức năng áp dụng mức phạt “gãi ngứa” bất tương xứng với hành vi vi phạm là vì pháp luật hiện hành không cho phép làm khác. Lý do: Chưa có quy định với chế tài tương xứng với hành vi gây nguy hiểm cho xã hội này. Điều đáng nói nữa là ngay cả điều luật đem ra áp dụng để xử phạt nhẹ hều này cũng không hoàn toàn chuẩn xác. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 quy định người nào “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị xử phạt 100.000-300.000 đồng”. Trong khi đó, việc sờ mó, sàm sỡ, hôn hít trái ý muốn người khác là hành động chứ không phải là “cử chỉ, lời nói thô bạo”.

Với những vụ quấy rối tình dục vừa nêu xét cho cùng vẫn còn ở mức độ nhẹ, chỉ cần sửa quy định về xử phạt hành chính (mô tả hành vi tương thích) với mức phạt thật nặng kèm biện pháp khắc phục hậu quả như xin lỗi công khai… là cũng đủ sức răn đe. Còn với hành vi xâm hại, tấn công tình dục trẻ em, nhất là các bé gái, thì lại khác.

Nếu không xử hình sự được cựu phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi thì đây là sự thất bại thảm hại của pháp luật. Ảnh cắt từ clip

Trở lại với vụ cựu viện phó sàm sỡ, hôn hít bé gái, có lẽ không ai chấp nhận ông này cuối cùng chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền 200.000 đồng. Trên mạng xã hội, ai cũng bày tỏ mong muốn ông ta phải bị xử hình sự, phải bị xem xét, khởi tố tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và bị phạt tù thật nặng. Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, nếu chứng minh được hành vi của ông ta cấu thành tội thì sự việc không có gì để nói. Nhưng nhiều người vẫn đang lo ngại một khả năng khác có thể xảy ra: Không thể ghép tội được ông ta. Vì sao?

Thực tiễn xử lý tội dâm ô với người dưới 16 tuổi cho thấy có một cách hiểu và vận dụng điều luật khá cứng nhắc: Chỉ khi nào chứng minh được một người có hành vi hôn hít, sờ mó vào bộ phận sinh dục của nạn nhân thì mới xử được người đó về tội này. Còn đụng chạm các bộ phận khác trên cơ thể nạn nhân thì không cấu thành tội. Lục lọi lại mới thấy các văn bản hướng dẫn áp dụng tội này hiện rất tản mác, nội dung khá chung chung, không rõ ràng, rành mạch, chẳng hạn chỉ nêu hành vi tác động vào “bộ phận kích thích tình dục”; “đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của trẻ em”....

Chính vì vậy, dư luận và nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng cần phải có hướng dẫn mới phù hợp hơn, theo hướng không khuôn hẹp ở hành vi sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của trẻ mà chỉ cần sờ soạng, hôn hít, chạm vào thân thể nạn nhân với mục đích thỏa mãn tính dục là có thể xử lý về tội này.

Và đây cũng chính là cái “nợ” của các cơ quan hữu quan, trong đó có Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao - cơ quan được đích thân Quốc hội giao phó việc này.

Xã hội càng phát triển thì càng sản sinh ra những hệ lụy, trong đó có vấn nạn xâm hại tình dục, nhất là đối với trẻ em. Ngày càng có nhiều vụ tấn công tình dục, xâm hại trẻ em xảy ra nhưng có khá nhiều vụ chúng ta lại bất lực, không thể sờ gáy bọn biến thái, bệnh hoạn được. Tất cả chỉ vì cách hiểu và áp dụng pháp luật chưa thống nhất, chưa bắt kịp thực tiễn cuộc sống.

Nếu điều ấy chậm được khắc phục thì không lạ gì chuyện bọn biến thái, bệnh hoạn lộng hành, đe dọa cuộc sống an toàn của trẻ cứ tiếp tục nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm