Báo động cơ quan pháp luật không bảo vệ chủ nhà hợp pháp

Nghịch lý xâm phạm chỗ ở người khác nhưng không bị xử lý

Gửi đơn phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông Đinh Văn Hữu (ngụ Tiền Giang) cho biết: Tháng 5-2018, ông mua căn nhà số 111 Bà Hom (phường 13, quận 6, TP.HCM). Nhà này nguyên thuộc sở hữu của năm đồng thừa kế.

Đã nhận nhà nhưng không thể vào ở

Tháng 6-2018, ông Hữu làm xong thủ tục đăng ký sang tên nhà, đất trên. Đúng ngày 12-6-2018, bên bán nhà, đất đã giao nhà, đất cho ông Hữu và bên ông Hữu đã đến nhận nhà, đất.

Bất ngờ, vừa khi bên ông Hữu nhận xong thì có một nhóm người, trong đó có người là họ hàng của bên bán nhà đã đến gây rối, đồng thời bẻ khóa cửa, cổng rào, chiếm giữ luôn nhà, đất đó cho đến nay.

Ông Hữu đã nhiều lần vào nhà để yêu cầu được nhận lại bất động sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình nhưng nhóm người trên đã ngăn cản, không cho ông vào. Không còn cách nào khác, ông Hữu gửi đơn tố giác đến công an quận.

Công an đã khởi tố nhưng VKS không phê chuẩn

Tháng 2-2019, Công an quận 6 có công văn trả lời ông Hữu cho biết cơ quan này đã giải quyết tin báo tố giác tội phạm từ ông Hữu. Theo đó, vào ngày 10-2-2019, Cơ quan CSĐT Công an quận 6 đã ra quyết định khởi tố vụ án xâm phạm chỗ ở của người khác tại nhà, đất số 111 Bà Hom. Cơ quan này cũng đã chuyển toàn bộ hồ sơ qua VKSND quận 6 để kiểm sát theo quy định.

Ngặt nỗi, VKSND quận 6 cho rằng hành vi nêu trên của những người trong gia đình của người họ hàng chủ nhà cũ chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Với lý do này, VKSND quận 6 đã từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố của Cơ quan CSĐT Công an quận 6.

Văn bản của Công an quận 6 báo cáo với Chủ tịch UBND quận 6 Ngô Thành Luông về sự việc đã nêu chi tiết như sau: Trong trường hợp này, cơ quan điều tra (CQĐT) công an quận đã áp dụng điểm d khoản 1 Điều 158 Blhs để khởi tố vụ án. Thế nhưng VKSND quận 6 cho rằng ông Hữu là chủ sở hữu, sử dụng hợp pháp nhà, đất ở số 111 Bà Hom, (phường 13, quận 6, TP.HCM) nhưng thực tế chưa ở ngày nào nên những người đang chiếm hữu nhà, đất không hợp pháp không phạm tội này. Do vậy, CQĐT công an quận đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án xâm phạm chỗ ở người khác.

Nhà, đất số 111 Bà Hom (quận 6, TP.HCM) đang bị xâm chiếm nhưng các cơ quan tố tụng vẫn chưa xử lý dứt điểm. Ảnh: Cù Hiền

Căn nhà của ông Lê Thanh Nghị tại TP Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: PHƯƠNG NAM

Nhà mua đấu giá cũng bị xâm phạm

Tương tự ông Hữu, ông Lê Thanh Nghị (ngụ Bình Thuận) cũng đang không được các cơ quan pháp luật bảo vệ quyền sở hữu nhà hợp pháp.

Tháng 7-2019, ông Nghị gửi đơn tố giác vợ chồng ông Phạm Văn Thiền bỗng dưng phá khóa vào chiếm giữ căn nhà số 6 Lê Lai (phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết, Bình Thuận) mà ông mới mua.

Đây là căn nhà mà ông Nghị mua thông qua Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Phan Thiết để chi cục thực hiện việc chủ nhà phải trả nợ ngân hàng. Ông Nghị đã chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản của Chi cục THADS TP Phan Thiết để ngân hàng xóa thế chấp và giao lại giấy tờ để ông hoàn tất thủ tục sang tên trên sổ hồng.

Ngày 8-5-2019, ông Nghị nhận bàn giao căn nhà có sự chứng kiến của đại diện UBND phường Đức Nghĩa và Chi cục THADS TP Phan Thiết. Thế nhưng trong thời điểm giao nhà, có một nhóm người xông vào, cho rằng người chủ trước nữa đã bán nhà cho người phải thi hành án đang thiếu nợ gia đình họ. Đại diện chính quyền địa phương đã giải thích đây là nhà của người phải thi hành án, không còn liên quan gì đến người chủ đời trước và hướng dẫn họ khởi kiện để được giải quyết tranh chấp với người chủ đời trước.

Lý do tự vào ở nhà của người khác

• Nhà, đất số 111 Bà Hom, phường 13, quận 6, TP.HCM: Trao đổi với PV về việc chiếm giữ nhà, đất này, có người trong nhóm (hơn 10 người) nói là bản án tuyên sai; có người nói nhà đó là nhà của họ nên họ không đi đâu hết; có người nói họ đã cảnh báo cho ông Hữu là nhà tranh chấp nhưng ông Hữu vẫn mua nên ráng chịu…

• Nhà, đất số 6 Lê Lai, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết, Bình Thuận: Theo ông Phạm Văn Thiền (bên phá khóa vào chiếm giữ nhà, đất này), do vợ chồng ông có họ hàng với chủ nợ của người chủ nhà, đất đời trước nên ông muốn lấy lại căn nhà như một cách được trả nợ.  

Tưởng vậy là xong và ông Nghị đã thay đổi ổ khóa, sửa sang lại căn nhà để vào ở. Nào ngờ vào hôm sau, khi ông Nghị đến thì mới biết đêm trước vợ chồng ông Thiền đã cưa ổ khóa, chiếm giữ căn nhà. Ông Thiền còn cho phép nhiều người vào ở trong căn nhà của ông Nghị.

“Tôi đã gửi đơn đi nhiều nơi để kêu cứu. Lần nào chính quyền địa phương cũng yêu cầu tôi giữ bình tĩnh để giải quyết, tránh gây ra chuyện đáng tiếc. Song vụ việc kéo dài hơn một năm qua. Nhà của tôi mua, giấy tờ đứng tên tôi nhưng tôi không được vào ở và hơn một năm qua tôi phải thuê phòng trọ để ở, hằng tháng phải trả nợ ngân hàng số tiền vay mua căn nhà này” - ông Nghị chua chát cho biết.

Được biết, ngày 26-5-2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết cho biết hành vi của vợ chồng ông Thiền có dấu hiệu phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú thì chỗ ở của một người là nơi người đó thường xuyên sinh sống.

Căn cứ vào đó, cơ quan này cho biết: Căn nhà số 6 Lê Lai mặc dù là tài sản sở hữu hợp pháp của ông Nghị nhưng ông Nghị chưa vào ở ngày nào nên chưa thể xem đó là chỗ ở của ông Nghị. Ngoài ra, ý kiến tại cuộc họp của ba ngành công an, VKS, tòa án chưa thống nhất với nhau về khái niệm chỗ ở. Từ đó, cơ quan công an ra quyết định không khởi tố vụ án.

Phó Công an quận 6: Họp liên ngành thống nhất không xử hình sự

Khoảng giữa tháng 2-2020, trao đổi với PV về vụ việc ở quận 6, Thượng tá Trương Văn Hòa, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó Trưởng Công an quận 6, nói: “Ông Hữu mua nhà nhưng chưa ở ngày nào, họp liên ngành hai cấp Thành ủy, Quận ủy rất nhiều lần thì thống nhất quan điểm không xử lý hình sự được, chỉ xử lý hành chính. Dấu hiệu tội phạm thì có nhưng để buộc tội thì cần có điều kiện là ông Hữu phải ở nhà đó mới kết tội xâm phạm chỗ ở được”.

Thượng tá Hòa cho biết thêm: Quan điểm ban đầu của CQĐT là có tội nên đã khởi tố vụ án nhưng VKSnd quận 6 lập luận theo hướng khi bàn giao nhà thì ông Hữu chưa ở ngày nào. Đó cũng là quan điểm của VKSND TP.HCM. Do vậy, hành vi của những người chiếm giữ nhà trái phép chưa cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Từ đó, công an quận đã hủy quyết định khởi tố vụ án.

Cũng giữa tháng 2, ông Trịnh Hoàng Nam, Phó Viện trưởng VKSND quận 6, cho biết hồ sơ vụ việc đang được cơ quan CSĐT lưu giữ. VKS quận đã xem xét và nhận thấy hành vi của những người đang ở trong nhà 111 Bà Hom không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

“Sự việc này các cơ quan, ban, ngành đã nghiên cứu, phối hợp để giải quyết những bức xúc của người dân, làm sao để giải quyết ổn thỏa, đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự nhưng vẫn đúng quy định của pháp luật” - ông Nam nói.

Theo thông tin PV thu thập được, Bí thư Quận ủy quận 6 Lê Văn Tân từng chỉ đạo các cơ quan xem xét, giải quyết vụ việc, đồng thời cho ý kiến về áp dụng Điều 177 BLHS về tội sử dụng trái phép tài sản đối với vụ việc xảy ra tại số 111 Bà Hom. Thế nhưng, các cơ quan tố tụng cũng thống nhất quan điểm không đủ căn cứ cấu thành tội phạm sử dụng trái phép tài sản. Thay vào đó, các cơ quan có thẩm quyền ở quận 6 cho là ông Hữu có thể khởi kiện ra tòa để được giải quyết quyền lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm