Rừng luật là chuyện có thật!

Sau đó, ngày 10-10-2018, Bộ trưởng Công an lại ban hành Thông tư 33/2018 sửa đổi một số điều của Thông tư 61/2015. Bốn tháng sau, bộ trưởng Công an mới có văn bản hợp nhất hai thông tư này. Theo đó, các cơ quan liên quan, cán bộ, công chức và người dân chỉ cần đọc văn bản hợp nhất là nắm rõ và thực hiện quy định về mẫu thẻ căn cước công dân. Đây là ví dụ điển hình về hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Là một nước đang phát triển, các quan hệ xã hội Việt Nam thay đổi hằng ngày nên nó cần phải được điều chỉnh kịp thời. Vì vậy, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung thường xuyên các VBQPPL là một việc làm có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, các VBQPPL này cần được cập nhật hóa một cách có hệ thống, toàn diện để người dân không phải bất an về hiệu lực của các QPPL mà mình đang viện dẫn để xử lý một vấn đề nào đó.

Theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 thì khi xây dựng và ban hành VBQPPL, nhà làm luật cần chú trọng đến tính công khai và tính minh bạch của QPPL. Tính công khai nhằm bảo đảm cho mọi người đều có thể tiếp cận QPPL. Còn tính minh bạch để mọi người hiểu và thực hiện các quy định pháp luật một cách thống nhất. Bảo đảm tính công khai và tính minh bạch của các VBQPPL đòi hỏi các văn bản sửa đổi, bổ sung nhau phải được hợp nhất.

Hiện nay vấn đề này được điều chỉnh bởi Pháp lệnh hợp nhất VBQPPL năm 2012. Theo đó, đối với trường hợp VBQPPL được sửa đổi, bổ sung nhiều lần thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm hợp nhất các văn bản này nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận dễ dàng nhất cho công dân.

Tuy nhiên, yêu cầu này chưa được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh. Đơn cử, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào các năm 2014 và 2017 nhưng nếu không nói ra, ít người biết được. Lý do là cho đến nay vẫn chưa có văn bản hợp nhất các văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản trước đó.

Một ví dụ khác là các quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức liên tục được thay đổi, sửa đổi, bổ sung nhưng văn bản hợp nhất thì vẫn “bặt vô âm tín”. Chính vì không được hợp nhất nên dẫn đến tình trạng là người đọc cũng không biết là các văn bản mình đang sử dụng có còn hiệu lực hay không. Thậm chí ngay đối với những người nghiên cứu và các chuyên gia luật thì việc xác định có bao nhiêu văn bản đã ra đời để thay thế, sửa đổi, bổ sung cho nhau không phải lúc nào cũng có sự thống nhất. Điều này càng trở nên phức tạp hơn đối với những người không chuyên về luật.

Theo Pháp lệnh hợp nhất VBQPPL năm 2012 thì “chậm nhất là năm ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành văn bản, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành”.

Nếu như an toàn là nhu cầu cơ bản của con người thì an toàn pháp lý là một yêu cầu thiết yếu, vì nó là nguyên tắc hướng đến mục đích bảo vệ người dân chống lại sự thiếu chặt chẽ hay sự phức tạp của các QPPL.

Câu châm ngôn Latin “càng nhiều luật thì nhà nước càng dở” có lẽ không còn phù hợp với thế giới hiện nay, bởi các quan hệ xã hội ngày càng đa dạng, đòi hỏi phải được điều chỉnh bằng các QPPL. Do đó, có nhiều luật thì chưa chắc đã dở. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng có nhiều luật thay thế, sửa đổi, bổ sung nhau nhưng không được hợp nhất để tạo ra an toàn pháp lý cho người dân thì cái dở đó khó mà biện minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm