Tại sao Nghị quyết 128 chứ không phải Nghị định 128?

Có nhiều lý do để Chính phủ (CP) lựa chọn hình thức Nghị quyết (Nghị quyết 128) thay vì Nghị định, nhưng theo quan điểm cá nhân tôi thì có 2 lý do chính:
Được Quốc hội cho phép
Ngày 28-7-2021, Quốc hội (QH) ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15, cho phép CP, Thủ tướng CP sử dụng các hình thức nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn và các hình thức văn bản (VB) khác thuộc thẩm quyền để quy định, triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tức là thừa nhận các VB trên là VB quy phạm pháp luật (VBQPPL). Việc cho phép này kéo dài đến 31-12-2022.

Đồng Nai được đánh giá ở cấp độ bình thường mới theo tiêu chí của Nghị quyết 128/NQ-CP. Ảnh: V.HỘI

Ai cũng biết Nghị định là VBQPPL, còn Nghị quyết của CP không phải là VBQPPL. Thực tiễn Nghị quyết thường có các loại: NQ mang tính chủ đạo, NQ mang tính quy phạm, NQ cá biệt, NQ ghi lại phiên họp của Chính phủ.
Quan điểm cá nhân của mình, việc không thừa nhận NQ là VBQPPL là chưa thực sự hợp lý, tạo một khoảng trống trong việc áp dụng chính sách, bởi trong thực tiễn, Chính phủ đã ban hành nhiều NQ mang tính quy phạm nhất là quy định giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế đất nước.
Quy trình ban hành ngắn gọn, nhanh chóng hơn
Quy trình ban hành Nghị định ngay cả theo thủ tục rút gọn quá phức tạp, kéo dài, không đáp ứng việc ban hành trong trường hợp dịch bệnh, cần nhanh chóng, hồ sơ thủ tục đơn giản.
Điều 146 Luật Ban hành VBQPPL 2015 đã dự liệu quy định việc ban hành VB theo thủ tục rút gọn trong 5 trường hợp như: khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ... Tức là, được áp dụng quy trình nhanh và gọn hơn để xử lý vụ việc, đồng thời các VB này có thể có hiệu lực kể từ ngày ký để áp dụng ngay.
Quy trình ban hành một Nghị định trong đk bình thường kéo dài không dưới 6 tháng, theo các bước như sau:
i) Bước đề nghị xây dựng nghị định (Hồ sơ: tờ trình đề nghị; báo cáo tổng kết hoặc đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan; thẩm định);
ii) Soạn thảo (tổ chức lấy ý kiến, góp ý và đăng tải các tài liệu trên Cổng thông tin điện tử của CP và của cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời hạn ít nhất 60 ngày);
iii) Lấy ý kiến;
iv) Thẩm định (15 ngày);
v) Chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo (Hồ sơ: Tờ trình về dự thảo; Dự thảo nghị định; Báo cáo thẩm định; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; Báo cáo rà soát các VBQPPL có liên quan; Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; báo cáo đánh giá tác động của chính sách);
vi) Biểu quyết Thông qua tại phiên họp CP.
Còn quy trình ban hành Nghị định trong trường hợp dịch bệnh thì theo thủ tục rút gọn nhưng cũng phải qua các bước sau:
i) Soạn thảo;
ii) Lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp (có thể), trong trường hợp lấy ý kiến bằng VB thì thời hạn lấy ý kiến không quá 20 ngày;
iii) Thẩm định (Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định);
iv) Xem xét, thông qua (như quy trình bình thường).
Như vậy, Luật Ban hành VBQPPL quy định về quy trình ban hành Nghị định trong tình trạng cấp thiết cũng khá phức tạp, nếu tuân thủ đúng sẽ không xử lý kịp thời, nên việc lựa chọn các hình thức VB khác cũng có thể lý giải được nguyên nhân.
Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng vừa qua, có trường hợp, chiều họp, tối ban hành, mai có hiệu lực để xử lý nhanh chóng tình hình dịch bệnh thì quy trình rút gọn khó có thể áp dụng. Điều này cũng lý giải phần nào vì sao Thủ tướng Chính phủ hay UBND các tỉnh không thể ban hành Quyết định chứa QPPL trong thời gian qua.
Ngày 30-3-2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng ban hành công văn số 45/TANDTC-PC về việc Hướng dẫn xác định tội danh, áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp theo quy định của BLHS trong xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Văn bản này cũng gây xôn xao dư luận vì về hình thức, văn bản này chưa phù hợp quy định của luật.
Thật sự, trong tình hình khẩn cấp lúc đó, cần áp dụng thống nhất xử lý nhanh các hành vi vi phạm, nhưng thời điểm này, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lại không có quyền ban hành VB theo thủ tục rút gọn, chỉ ban hành theo trình tự thông thường.
Tức là, Nghị quyết được ban hành theo một quy trình kéo dài, chặt chẽ và phức tạp (như đăng tải trên Cổng thông tin điện tử ít nhất là 60 ngày để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến…), và văn bản phải có hiệu lực ít nhất sau 45 ngày kể từ ngày ban hành.
Vì vậy, việc Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn hình thức công văn trong tình thế đó là phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề bất cập.
Rất may, Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi bổ sung 2020) vừa bổ sung cho phép Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có thẩm quyền ban hành theo thủ tục rút gọn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm