Thương hiệu ST25 vẫn đang “chiếm lĩnh” thị trường gạo bởi những câu chuyện nóng về thương hiệu. Tuy nhiên, tổ chức The Rice Trader (TRT), đơn vị tổ chức cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” vừa cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam có thể mất quyền tham dự cuộc thi “World’s Best Rice” do các vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ.
Cuộc thi do TRT tổ chức hằng năm, nếu doanh nghiệp muốn tham gia phải được TRT đồng ý và phải nộp lệ phí thi. Đương nhiên, TRT có quyền không nhận gạo dự thi của một doanh nghiệp nếu thương hiệu đó bị quá nhiều người sử dụng.
Vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ mà TRT đề cập chính là chiếc logo hình tam giác màu xanh dương, trung tâm của logo là hình bông lúa rủ xuống. Thời gian qua, người tiêu dùng có thể nhìn thấy logo này trên nhiều loại bao bì gạo, đi kèm dòng thông tin “Gạo ngon nhất thế giới”.
Hiện vấn đề liên quan đến “World’s Best Rice”, “Gạo ngon nhất thế giới” ở Mỹ và ở Việt Nam vẫn chưa rõ ràng. Tra cứu sơ bộ dữ liệu của cơ quan sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ (USPTO), không có đăng ký nào cho cụm từ “World’s Best Rice”.
Trong khi đó, quy định về đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam không cấm đăng ký nhãn hiệu có kèm những cụm từ như “ngon nhất”, “tốt nhất”. Tuy phần từ ngữ không được độc quyền nhưng hình ảnh logo có thể được bảo hộ cả quyền tác giả lẫn nhãn hiệu.
Mặt khác, bao bì hàng hóa và tem nhãn trên đó không chỉ liên quan đến quy định về sở hữu trí tuệ. Thông tin trên bao bì còn bị điều chỉnh bởi cả quy định về quảng cáo và cạnh tranh. Xét dưới góc độ quảng cáo, hành vi bị cấm là “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”…”. Nếu doanh nghiệp sử dụng cụm từ “Gạo ngon nhất thế giới” mà không chứng minh được danh hiệu này xuất phát từ đâu thì doanh nghiệp vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Dưới góc độ cạnh tranh, Luật Cạnh tranh nghiêm cấm “Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ…”. Nếu không phải gạo ST25 ngon nhất thế giới mà ghi dòng chữ này, khiến người mua gạo nhầm lẫn thì doanh nghiệp vi phạm.
Câu chuyện cấm tham gia cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp chân chính, muốn phát triển rộng khắp nhằm khẳng định tên tuổi. Còn đối với các đơn vị kinh doanh bất chấp pháp luật và đạo đức thì đâu cần tốn công, tốn phí tham gia các cuộc thi.
Có cuộc thi hay không, có thêm một vài danh hiệu ngon nhất nữa hay không… có lẽ cũng không có gì quan trọng. Thị trường ưa chuộng cái gì thì cứ giả mạo ngay cái đó, xài “chùa” ngay thứ có sẵn, lỡ bị phát hiện vi phạm thì nộp phạt hành chính. Cảnh báo của TRT có lẽ cũng như tiếng súng với anh chàng điếc mà thôi!
Thế nhưng “tiếng súng” của một đơn vị tổ chức cuộc thi gạo khiến nhiều người giật mình. Bệnh “ăn cắp” và “xài chùa” có lẽ đã là “bệnh kinh niên” của các doanh nghiệp làm ăn chụp giựt. Nhưng một tổ chức ở nước ngoài phải lên tiếng về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, ở mức độ cảnh báo “nghỉ chơi” cho thấy một sự thất vọng não nề.
“Tiếng súng” cho thấy một thị trường gạo với đầy đủ các hội, các cơ quan quản lý với rất nhiều hành lang pháp luật đủ mọi khía cạnh… nhưng thực trạng lại là vi phạm trắng trợn và tràn lan mà không xử lý.
Với hai góc độ quảng cáo và cạnh tranh, không nhất thiết phải có chủ sở hữu nhãn hiệu/logo/quyền tác giả lên tiếng, cơ quan quản lý trong nước hoàn toàn có thể xử lý được vi phạm.
Thế nhưng trong khoảng hai năm qua, nghi vấn gạo giả ST25, người tiêu dùng hoang mang không biết đâu mới là gạo ST25 thật, còn cơ quan quản lý đã làm gì trước những bao gạo “ngon nhất thế giới” tràn lan ngoài thị trường?!