Từ chuyện gạo ST25: Cần có đạo luật về thương hiệu quốc gia

Câu chuyện gạo ST25 “đang giải nhất thế giới lại đi thi để bưng giải nhì” đã được người trong cuộc là kỹ sư Hồ Quang Cua giải thích. Thế nhưng, chuyện nóng hơn liên quan đến thương hiệu này là nó đã bị bốn doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ.

Trước đó thì nước mắm Phú Quốc, cà phê Ban Mê và nhiều thương hiệu gạo ngon truyền thống của ta cũng đã bị doanh nghiệp (DN) nước ngoài đăng ký bảo hộ.

Luật Sở hữu trí tuệ đã có, tuy nhiên việc đăng ký bảo hộ trong nước không có tác dụng đối với việc bảo hộ thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài. Giá trị và ý nghĩa của thương hiệu thì ai cũng rõ nhưng kiến thức, nguồn lực của DN, của người nông dân không đủ sức bảo vệ sản phẩm của họ ở ngoài biên giới quốc gia.

Vì thế, khi người ta cướp tên của đứa con mình đẻ ra, đi đặt cho một người khác, gây nhầm lẫn và kiếm lợi nhuận, còn sản phẩm con đẻ chất lượng cao bị , nông dân lẫn DN đều chỉ ngậm ngùi.

Câu chuyện về bà Hai Tỏ, chủ hãng kẹo dừa Thanh Long, lặn lội xông pha đi đòi lại thương hiệu Kẹo dừa Bến Tre ở Trung Quốc có thể là một case truyền cảm hứng cho nhiều người nhưng thời thế đã khác và không phải chủ DN nào cũng có thể trở thành một Hai Tỏ.

Chính phủ đã có những động thái chiến lược về thương hiệu quốc gia. Cụ thể, từ năm 2019, Thủ tướng đã có Quyết định 1320 phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến 2030. Trong đó nêu rõ nhiệm vụ của từng bộ, ngành và chính quyền các địa phương. Những năm qua, việc chú trọng hướng dẫn đăng ký và vinh danh các thương hiệu được chứng nhận là thương hiệu quốc gia được tổ chức khá tốt; trị giá thương hiệu quốc gia cũng tăng rõ rệt. Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới trong năm 2020, tăng hạng chín bậc và xếp thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Tuy nhiên, với những sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh, nếu không có chính sách ràng buộc chặt chẽ hơn thì việc nổi tiếng trong nước cũng chỉ là “ta nói cho ta nghe, ta bán và ta mua”. Còn sản phẩm chất lượng cao có thể bị mạo danh, bị cướp đi danh tiếng thị trường quốc tế ST25 mới đây nhiều sản phẩm trước đó là các ví dụ cụ thể.

Nhà nước không làm thay DN trong việc đăng ký và bảo vệ nhãn hàng ở nước ngoài, điều này được đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh nhiều lần. Đó là một quan điểm đúng, buộc DN nâng cao trách nhiệm và sự chủ động. Tuy nhiên, hỗ trợ DN và người nông dân trong cuộc chiến này cũng có nghĩa là bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo nền tảng cho sự lớn mạnh của các sản phẩm thì cần có chiến lược, trách nhiệm cụ thể hơn, sự ràng buộc lớn hơn, đầu tư nhiều hơn về kiến thức, kỹ năng, nguồn lực, sự vận hành chủ động và liên kết chặt chẽ, nhịp nhàng. Cần có sự đảm bảo mà tầm của một quyết định như Quyết định 1320/2019 của Thủ tướng e rằng chưa đủ đáp ứng.

Trong Quyết định 1320 có nội dung giao cho Bộ Công Thương hệ thống, rà soát và xây dựng các văn bản pháp quy cho thương hiệu quốc gia. Nên chăng Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng và trình Quốc hội một đạo luật về thương hiệu quốc gia. Khi đó, không chỉ tên gọi văn bản đúng với cái tầm vấn đề mà nó điều chỉnh, mà khả năng điều chỉnh của luật này sẽ là bệ đỡ cho sự phát triển thương hiệu trong nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm