Tại phần quyết định về vật chứng trong một vụ án hình sự ngày 3-7-2015 của TAND TP Cam Ranh (Khánh Hòa) có đoạn: Tịch thu tiêu hủy một tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng dùng để gói hai cục ma túy đã thu của bị cáo VTNP. Chi tiết rất nhỏ này không ngờ lại trở thành đề tài tranh luận bất phân thắng bại giữa VKSND tỉnh Khánh Hòa với VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Không dám tiêu hủy tờ tiền
Sau khi bản án trên có hiệu lực pháp luật, tháng 11-2015, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Cam Ranh đã ra quyết định THA liên quan đến các vấn đề về phần dân sự. Nhưng khi thi hành đến nội dung “tịch thu tiêu hủy tờ tiền 1.000 đồng” thì bị ách lại, bởi cơ quan THA nhận thấy mình không có thẩm quyền, chức năng tiêu hủy vật chứng là tiền. Vì vậy, Chi cục THA bèn báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có VKSND tỉnh để tìm hướng xử lý.
Sau khi nghiên cứu, VKSND tỉnh Khánh Hòa có báo cáo gửi VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng phải áp dụng điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS tuyên tịch thu 1.000 đồng sung công quỹ nhà nước.
VKS tỉnh nhận định vật chứng thu giữ là một tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng, đây là tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nên phải bị tịch thu sung quỹ. Việc tòa tuyên tịch thu, tiêu hủy vật chứng là tiền VND là vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự, cần phải có biện pháp khắc phục.
Viện dưới tranh luận lại viện trên
Ngày 31-3, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng có văn bản phản hồi không chấp nhận đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND tỉnh Khánh Hòa. Theo viện này, khi bị cáo VTNP dùng tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng để gói ma túy thì tờ tiền này đã bị nhàu nát, cũ bẩn. Như vậy, tờ 1.000 đồng này đã không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn lưu thông theo quy định tại Thông tư 25/2013 (quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nữa.
Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 25/3013 quy định tiền giấy bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ, số; nhàu, nát, nhòe, bẩn, cũ; rách rời hay liền mảnh được can dán lại nhưng còn nguyên tờ tiền đều không đủ tiêu chuẩn để lưu thông. Vì không đủ tiêu chuẩn để lưu thông nên tờ tiền trên không còn sử dụng được. Việc tòa án cấp sơ thẩm căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 76 BLTTHS (quy định vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy) để quyết định tịch thu tiêu hủy tờ tiền là đúng pháp luật.
Không đồng tình với quan điểm này, VKSND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có công văn trao đổi lại quan điểm của mình. VKS tỉnh cho rằng việc xác định tiền có đủ tiêu chuẩn lưu thông hay không phải do cơ quan có thẩm quyền của ngân hàng giám định theo quy định tại Điều 7 Thông tư 25/2013 nói trên. Không thể có tổ chức, cơ quan, cá nhân khác (kể cả tòa án) có quyền nhận định, đánh giá tiêu chuẩn lưu thông của tiền được.
Mặt khác, tại Thông tư số 27/2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (quy định về tiêu hủy tiền) cũng có quy định cụ thể về quy trình và thẩm quyền quyết định tiêu hủy tiền. Theo đó, tòa án hoặc cơ quan THADS đều không có thẩm quyền này mà phải do các cơ quan có thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước tiến hành. Do đó, nếu nhận định tờ tiền trên là vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được để tịch thu và tiêu hủy là không ổn. Vì vậy, ý kiến của VKSND tỉnh là phù hợp, cần được tiếp tục nghiên cứu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm và thống nhất…
Cho đến nay việc tiêu hủy tờ tiền nói trên vẫn chưa thực hiện được.
Giá trị nhỏ cũng phải làm đúng luật
Theo TS Võ Thị Kim Oanh, Trưởng khoa Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM, đáng lẽ ngay từ đầu tòa sơ thẩm phải trưng cầu giám định tờ tiền 1.000 đồng này. Mục đích giám định để biết được nó là tiền thật hay tiền giả, nếu là giả thì tòa tuyên tịch thu tiêu hủy, nếu là thật thì tuyên tịch thu sung công để giao cho cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, tiêu hủy. Bởi lẽ vật chứng ở đây là tiền nên nó có tính chất đặc định riêng, có quy định chặt chẽ riêng, không thể giao cho cơ quan THA mang ra đốt được.
Đồng tình, luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói nguyên tắc xử lý vật chứng phải căn cứ vào BLTTHS nhưng khi nó là tiền thì phải bị ràng buộc bởi các quy định khác. “Tuy chỉ có 1.000 đồng nhưng về bản chất nó cũng là tiền, nếu hết giá trị sử dụng thì phải được tiêu hủy theo quy định. Dù là chi tiết nhỏ nhưng cũng phải làm đúng quy định. Vì vậy, theo tôi nên giám đốc thẩm để hủy án phần này rồi xét xử sơ thẩm lại” - luật sư Tao nói.
Nên thi hành rồi rút kinh nghiệm sau Về pháp lý thì tôi đồng ý với quan điểm của VKSND tỉnh Khánh Hòa. Nhưng theo tôi, để đảm bảo tính ổn định của bản án thì cứ thực hiện theo quyết định của tòa, sau đó TAND Tối cao sẽ có rút kinh nghiệm chung để tránh những tình tiết tương tự sau này. Bởi nếu chỉ vì tờ tiền 1.000 đồng mà phải vận hành cả một bộ máy, huy động các ngành khác nhau để khắc phục thì tốn thời gian, công sức, tiền bạc gấp nhiều lần. Tranh cãi pháp lý là một chuyện nhưng vì nó ít nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến số phận con người… thì nên làm ngay và làm dứt điểm. Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, |