Ngày 5-6, luật sư (LS) Nguyễn Thanh Hiệp (Đoàn LS TP.HCM) cho biết vừa tiếp tục gửi đơn yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên xác định cơ quan giải quyết bồi thường oan đối với bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Bà Anh là người bị cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa khởi tố, truy tố, xét xử oan trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy cách đây tám năm. LS Hiệp được bà Anh ủy quyền yêu cầu giải quyết bồi thường oan.
Bị ghi thêm lời khai để buộc tội oan
Theo hồ sơ, tháng 7-2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa điều tra theo thẩm quyền vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy. Điều tra viên Nguyễn Việt Cường được phân công điều tra vụ án. Các bị can khai gửi tiền vào TP.HCM mua ma túy chuyển về TP Tuy Hòa bán. Khi gửi tiền, có lúc ghi tên người nhận là bà Anh, có lúc ghi Từ Phạm Quang Vinh (chồng bà Anh).
Ngày 20-3-2013, điều tra viên Cường triệu tập bà Anh lấy lời khai và đã tự ghi thêm nội dung thể hiện bà Anh giúp chồng trong việc nhận tiền, đưa tiền mua ma túy gửi về Tuy Hòa bán. Trên cơ sở báo cáo đề xuất của Cường, Công an TP Tuy Hòa khởi tố bị can đối với bà Anh, ông Vinh về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Tháng 3-2014, TAND TP Tuy Hòa xử sơ thẩm, phạt bà Anh bảy năm tù. Bà Anh kháng cáo kêu oan và TAND tỉnh Phú Yên xử hủy bản án sơ thẩm. Đầu năm 2015, ông Vinh bị bắt theo lệnh truy nã và điều tra viên Cường tiếp tục làm sai lệch hồ sơ vụ án bằng cách viết thêm vào bản tự khai của ông Vinh nhằm buộc tội bà Anh đồng phạm với chồng.
Sau đó, điều tra viên Cường bị cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, hiện TAND tỉnh Phú Yên sắp xét xử ông này.
Ngày 31-5-2019, Công an TP Tuy Hòa đình chỉ điều tra bà Anh với lý do hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm.
Điều tra viên Nguyễn Việt Cường liên quan đến vụ bà Anh đã bị truy tố về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Ảnh: PYO
Tòa án sơ thẩm nói gì?
Sau đó bà Anh yêu cầu TAND TP Tuy Hòa bồi thường oan tổng cộng 755 triệu đồng. Tháng 7-2019 tòa này có thông báo trả lại đơn, cho rằng VKSND TP Tuy Hòa là người bồi thường. Vì cơ quan này đã ban hành cáo trạng, tòa Tuy Hòa đã ba lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng VKS vẫn giữ nguyên quyết định truy tố.
Lúc này, bà Anh gửi hồ sơ yêu cầu VKSND TP Tuy Hòa bồi thường thì cơ quan này có thông báo không thụ lý vì bà bị tòa TP Tuy Hòa tuyên phạm tội nhưng sau đó bị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại. Quá trình điều tra lại, công an đình chỉ điều tra nên căn cứ điểm b khoản 1 Điều 36 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì trách nhiệm bồi thường với bà Anh thuộc TAND TP Tuy Hòa.
Cuối tháng 9-2019, bà Anh tiếp tục gửi hồ sơ yêu cầu tòa án TP Tuy Hòa bồi thường nhưng cơ quan này chưa phản hồi.
Tiếp đó LS Hiệp gửi đơn đến UBND tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên yêu cầu xác định rõ cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường cho bà Anh. Ngày 7-11-2019, UBND tỉnh có công văn giao Sở Tư pháp xem xét, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xử lý đơn của LS Hiệp và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trong tháng 11-2019. Tuy nhiên, đến nay cả LS Hiệp và bà Anh đều chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng tỉnh.
Bà Anh cho biết từ khi bị truy tố bà bị cấm đi khỏi nơi cư trú nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến bản thân và gia đình. ‘‘Cuộc sống của tôi bị đảo lộn. Tôi bị mất việc làm, tâm lý, tinh thần không chỉ của tôi mà con cái và cả thành viên trong gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng’’ - bà Anh chia sẻ.
Để làm rõ hơn vụ việc, Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc qua điện thoại với bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Chánh án TAND TP Tuy Hòa. Bà Hằng cho biết tòa đã có công văn trả lời và trả lại toàn bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường oan cho bà Anh.
PV đặt câu hỏi cho rằng theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì tòa Tuy Hòa phải có trách nhiệm bồi thường nhưng đến nay sao vẫn chưa thực hiện. Bà Hằng không trả lời với lý do đang bận và hẹn “có gì sẽ trao đổi sau”. Sau đó, PV đăng ký lịch làm việc thì bà Hằng nói: “Tôi đang học cao cấp chính trị, không thể làm việc được”.
Trách nhiệm bồi thường thuộc TAND TP Tuy Hòa Điểm b khoản 1 Điều 36 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định rõ tòa án cấp sơ thẩm phải bồi thường trong trường hợp: “Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”. Việc TAND TP Tuy Hòa cho rằng viện cùng cấp đã ban hành cáo trạng truy tố bà Anh, tòa đã trả hồ sơ ba lần nhưng VKS giữ quyết định truy tố, nên VKS phải là cơ quan giải quyết bồi thường (theo khoản 4 Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước), là sai luật. Bởi lẽ muốn áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 35, TAND TP Tuy Hòa phải chưa ban hành bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội. Mặc dù TAND TP Tuy Hòa từng trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng sau đó tòa này vẫn xử sơ thẩm và kết án. Do vậy, không thể áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để xác định cơ quan giải quyết bồi thường là VKSND Tuy Hòa. Rõ ràng trường hợp này TAND TP Tuy Hòa phải giải quyết bồi thường oan cho bà Anh. ThS HUỲNH THỊ NAM HẢI, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM MINH CHUNG ghi |