Do có tranh chấp về việc thuê đất, tháng 6-2004, Công ty TNHH Hoa Phương (quận Tân Bình, TP.HCM) đã khởi kiện ông Mai Đức Hùng ra TAND huyện Dĩ An (nay là thị xã Thuận An, Bình Dương) yêu cầu phải trả tiền cho mình.
10 năm, sáu bản án, hai quyết định giám đốc thẩm
Tháng 4-2005, TAND huyện Dĩ An xử sơ thẩm lần đầu, tuyên buộc ông Hùng phải trả 230 triệu đồng tiền thuê đất, Công ty Hoa Phương phải bồi thường hơn 11 triệu đồng trị giá tài sản trên đất cho ông Hùng.
Ông Hùng kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm tuyên bố không có việc thuê đất giữa hai bên vì không có hợp đồng. Cuối năm 2005, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, tuyên ông Hùng phải trả lại đất thuê, Công ty Hoa Phương phải bồi thường hơn 120 triệu đồng trị giá tài sản ông Hùng đã đầu tư trên đất.
Ông Hùng khiếu nại giám đốc thẩm vì cho rằng không có việc mình thuê đất của Công ty Hoa Phương. Tháng 4-2007, chánh án TAND Tối cao đã chấp nhận khiếu nại của ông, ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Sau đó hội đồng giám đốc thẩm đã hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm xử lại.
Tháng 7-2008, TAND huyện Dĩ An xử sơ thẩm lần hai, tuyên ông Hùng phải trả hơn 720 triệu đồng tiền thuê đất cho Công ty Hoa Phương, Công ty Hoa Phương không phải bồi thường gì cho ông Hùng. Ông Hùng kháng cáo. Giữa năm 2009, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm lần hai đã sửa án sơ thẩm, tuyên ông Hùng phải trả cho Công ty Hoa Phương 538 triệu đồng tiền thuê đất.
Ông Hùng khiếu nại giám đốc thẩm. Lần này, lãnh đạo VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm với nhận định các cấp tòa xác định ông Hùng là bị đơn là chưa đúng, về nội dung thì giải quyết chưa khách quan. Tháng 4-2010, Tòa Dân sự TAND Tối cao họp giám đốc thẩm đã tuyên hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm (lần hai), giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại.
Tháng 11-2011, TAND Dĩ An đã xử sơ thẩm lần ba, tuyên ông Hùng phải trả hơn 690 triệu đồng tiền thuê đất cho Công ty Hoa Phương. Ông Hùng và Công ty Hoa Phương kháng cáo. Cuối năm 2012, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm lần ba đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ông Mai Đức Hùng, bị đơn trong vụ kiện kéo dài hơn 11 năm qua. Ảnh: S.NGUYỄN
Thụ lý sai ngay từ đầu?
Ông Hùng lại khiếu nại giám đốc thẩm. Tháng 6-2013, VKSND tỉnh Bình Dương cũng có công văn đề nghị VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm nêu trên.
Ngày 12-1 vừa qua, viện trưởng VKSND Tối cao đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vì ngay từ đầu các cấp tòa đã xác định sai nguyên đơn và quan hệ tranh chấp.
Theo quyết định kháng nghị, hồ sơ thể hiện năm 2003, ông Hùng, ông Lê Quốc Hưng (đại diện Công ty Hoa Phương) và ông Phạm Thanh Thoại cùng tới nhà bà Trần Thị Út tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) thuê hơn 7.000 m2 đất. Mỗi người bỏ ra 30 triệu đồng trả tiền cọc, bà Út làm biên nhận tiền chung cho cả ba người và giao cho ông Hưng giữ. Sau đó ba ông Hùng, Hưng, Thoại tự cắm ranh phân chia diện tích sử dụng bằng miệng, san lấp mặt bằng và sử dụng theo mục đích của mình.
Một thời gian sau, ông Hưng nhân danh Công ty Hoa Phương đến ký hợp đồng với bà Út với nội dung thuê toàn bộ hơn 7.000 m2 đất trên rồi yêu cầu ông Hùng, ông Thoại thuê lại đất. Ông Hùng không đồng ý vì cho rằng mình chỉ thuê đất của bà Út nên Công ty Hoa Phương khởi kiện. Thực tế Công ty Hoa Phương không xuất trình được hợp đồng cho ông Hùng thuê lại đất.
Viện trưởng VKSND Tối cao phân tích: Thời gian xảy ra việc thuê đất và tranh chấp là từ cuối năm 2003 đến giữa 2004 nên phải áp dụng các Luật Đất đai 1993, BLDS 1995, Nghị định 17/1999 của Chính phủ để giải quyết. Hợp đồng thuê đất giữa bà Út và Công ty Hoa Phương ghi là thuê đất thổ cư song thực tế chỉ có hơn 500 m2 là thổ cư, còn lại là đất nông nghiệp. Theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên thì Công ty Hoa Phương phải sử dụng đất đúng mục đích. Việc Công ty Hoa Phương cho thuê lại đất làm kho bãi và chuyển đổi mục đích sử dụng là trái pháp luật nên hợp đồng thuê giữa công ty và bà Út vô hiệu.
Việc các cấp tòa cho rằng ông Hùng phải có trách nhiệm thanh toán tiền thuê đất cho Công ty Hoa Phương là sai vì quy định pháp luật thời điểm đó cấm việc công ty thuê đất rồi cho thuê lại. Tức các hợp đồng công ty cho thuê lại đất (nếu có) cũng đều bị vô hiệu, không phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.
Hơn nữa, giữa Công ty Hoa Phương và ông Hùng không có thỏa thuận gì về việc thuê đất nên càng không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa hai bên. Các bên cũng không ai có yêu cầu giải quyết tranh chấp về hợp đồng vô hiệu, trong khi tòa lại thụ lý quan hệ tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất là không đúng. Thực tế thì ba ông Hùng, Hưng, Thoại cùng đi thuê đất, cùng bỏ tiền đặt cọc, do vậy đây là quan hệ hùn vốn, đặt cọc.
Theo viện trưởng VKSND Tối cao, lẽ ra ngay từ đầu tòa án phải xác định Công ty Hoa Phương không có quyền khởi kiện, trả lại đơn hoặc hướng dẫn họ thay đổi nội dung khởi kiện để xác định lại quan hệ tranh chấp thì mới đúng. Do đó cần hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm (lần ba), giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo hướng phân tích trên.
Sắp tới, TAND Tối cao sẽ họp giám đốc thẩm lần thứ ba. Chúng tôi sẽ thông tin tiếp diễn biến mới của vụ việc.
"Vì sao tôi liên tục kháng cáo?” Ngay từ đầu tôi đã chứng minh là giữa tôi và Công ty Hoa Phương không hề có hợp đồng thuê đất nhưng hơn 11 năm qua, các cấp tòa vẫn thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất. Đó là lý do vì sao tôi đã liên tục kháng cáo, kiến nghị dù có lần tòa án đã tuyên có lợi cho tôi. Tôi muốn tòa án phải xác định đúng tư cách tố tụng của tôi trong vụ tranh chấp này. Ông MAI ĐỨC HÙNG |