TAND TP Hải Phòng vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp căn nhà số 53 Lý Thường Kiệt (quận Hồng Bàng) giữa nguyên đơn là gia đình ông Nguyễn Thiện Sơn và bị đơn là ông Nguyễn Thiện Thực.
HĐXX đã bác kháng cáo, buộc bị đơn phải trả lại nhà cho gia đình em ruột là Nguyễn Thiện Sơn.
Căn nhà trên vốn là nhà thuộc sở hữu nhà nước do cụ Nguyễn Thiên Cự (cha của ông Sơn, ông Thực) thuê của nhà nước sử dụng từ năm 1955. Cụ Cự có tám người con đều sinh ra lớn lên tại căn nhà này.
Năm 2002, Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng (gọi là Công ty) ký hợp đồng cho cụ Cự thuê nhà. Thời điểm này, vợ chồng và 2 con ông Sơn cũng ở tại đây nên cũng có tên trong hợp đồng thuê nhà.
Quang cảnh phiên toà phúc thẩm
Năm 2004, UBND TP Hải Phòng có quyết định phê duyệt giá bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61 cho cụ Cự với số tiền hơn 215 triệu đồng.
Tuy nhiên, chưa kịp nộp tiền mua nhà thì năm 2007 cụ Cự mất. Gia đình ông Thực là con trưởng đã về sinh sống tại căn nhà này.
Tới năm 2011, Công ty lại ký hợp đồng cho gia đình ông Sơn thuê nhà. Tháng 5-2014, Công ty tiếp tục ký hợp đồng bán căn nhà này cho gia đình ông Sơn với giá hơn 215 triệu đồng.
Hợp đồng mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước giữa Công ty với ông Sơn căn cứ theo quyết định phê duyệt của UBND TP Hải Phòng bán cho cụ Cự từ năm 2004.
Chỉ hơn một tuần sau khi có hợp đồng mua bán giữa Công ty và hộ ông Sơn, UBND quận Hồng Bàng cấp “giấy hồng” cho gia đình ông Sơn.
Tại phiên sơ thẩm, TAND quận Hồng Bàng cho rằng căn nhà thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Sơn nên đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc ông Thực trả lại căn nhà cho gia đình ông Sơn.
Viện đề nghị hủy án, Tòa tuyên y án
Ông Thực kháng cáo cho rằng tòa sơ thẩm đã vi phạm tố tụng, áp dụng sai pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Cụ thể, tòa sơ thẩm không xác định quyền thuê, mua căn nhà là di sản thừa kế.
Ông Sơn cho rằng tại phiên toà sơ thẩm, ông có quan điểm căn nhà này ông đứng đại diện làm thủ tục để phân chia cho các anh chị em trong gia đình. Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm, ông đòi lại toàn bộ căn nhà.
Đại diện VKSND TP Hải Phòng cho rằng căn nhà tranh chấp này đã được UBND TP Hải Phòng ra phê duyệt bán cho cụ Cự. Theo đại diện VKS, căn cứ theo điều 634 BLDS và án lệ 31 năm 2020, quyền thuê và mua hóa giá nhà là di sản thừa kế.
Căn cứ theo khoản 4 điều 9 Nghị định 61/1994, trường hợp người mua nhà chết thì những người trong diện thừa kế được tiếp tục trả tiền mua nhà để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
Đại diện VKS cho rằng toà sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi không đưa những người thừa kế của cụ Cự tham gia vào vụ án.
Hơn nữa, cụ Cự có người con trai sinh sống tại Canada, có quốc tịch nước ngoài nên thẩm quyền xét xử không phải của TAND quận Hồng Bàng. Từ đó VKS đề nghị tòa huỷ bản án sơ thẩm chuyển cho TAND TP Hải Phòng xét xử sơ thẩm theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, TAND TP Hải Phòng không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn. HĐXX tuyên ông Thực buộc phải trả lại căn nhà và đất số 53 Lý Thường Kiệt cho gia đình em trai mình như bản án sơ thẩm.