Chiều nay (23-10), theo nghị trình, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021.
An ninh mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn
Theo Chính phủ, trong kỳ báo cáo (từ 1-10-2020 đến 30-9-2021), Cơ quan An ninh điều tra các cấp đã khởi tố 23 vụ (giảm hơn 11,5%), 31 bị can (giảm hơn 40%) phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, góp phần xử lý nghiêm các đối tượng.
Tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng. Ảnh: PLO
Tuy nhiên, Chính phủ nhận định tình hình an ninh quốc gia còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đặc biệt, các đối tượng phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong nước đã lợi dụng những sơ hở thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Cạnh đó, an ninh mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, nhất là hoạt động tấn công, phát tán mã độc, phần mềm gián điệp mạng nhằm vào hệ thống cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước.
An ninh kinh tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ thách thức, rủi ro do tác động của đại dịch COVID-19. Tình hình khiếu kiện tuy giảm cả về số lượt, số vụ việc và số người tham gia (xảy ra hơn 16.600 lượt khiếu kiện liên quan đến gần 4.100 vụ việc, với hơn 52.400 người tham gia) nhưng còn nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp chưa được giải quyết triệt để.
Báo cáo của Chính phủ cũng nhận định “về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ” và “hầu hết các loại tội phạm đều giảm”.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, tội phạm giết người tuy giảm về số vụ nhưng xảy ra một số vụ hành vi gây án dã man, nhiều vụ do mâu thuẫn cá nhân bột phát, mâu thuẫn tình cảm kéo dài nhưng không được giải quyết kịp thời. Hay giết người do đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến “ảo giác” hoặc có tiền sử bị bệnh tâm thần, gây tâm lý lo lắng, bất an trong quần chúng nhân dân.
Tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng với tính chất phức tạp. Trong đó, chống lực lượng thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiếm gần 23%; số vụ chống lại lực lượng Công an chiếm gần 70%, làm chín người hy sinh, 204 người bị thương. Chính phủ đánh giá điều này phản ánh sự coi thường pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội.
“Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”
Báo cáo Chính phủ cho hay năm 2021, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 8.080 vụ, hơn 7.030 người, 73 tổ chức (tăng hơn 230%, trong đó có 10 pháp nhân thương mại phạm tội về trật tự quản lý kinh tế). Đồng thời phát hiện 371 vụ (tăng 22,44%), 687 người (tăng 5,69%) phạm tội về tham nhũng, chức vụ.
“Nổi bật là đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, nhận diện các vi phạm, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý theo phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực””- báo cáo Chính phủ nêu rõ và cho hay cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý một số vụ án kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, giáo dục có tác dụng răn đe, lan tỏa, phòng ngừa chung trên cả lĩnh vực.
Theo Chính phủ, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 325 vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, thu giữ gần 5 triệu khẩu trang y tế và nhiều tấn găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc.
Công an TP.HCM triệt phá hai đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả, không có nguồn gốc xuất xứ, thu giữ 800 bộ test nhanh COVID-19 và gần 4.300 hộp thuốc trị giá hàng hóa vi phạm 1,2 tỉ đồng; triệt phá một đường dây tổ chức tiêm vaccine “dịch vụ” với giá 2-4 triệu/người.
Công an TP Hà Nội bắt giữ một vụ mua bán 4.200 bộ test nhanh COVID; một vụ kinh doanh 17.000 khẩu trang 3M có dấu hiệu làm giả, làm nhái và một vụ nhận tiền để cấp thẻ “luồng xanh” vào thành phố...
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng trong các cơ quan chức năng “bảo kê”, bao che cho hoạt động phạm tội kinh tế, buôn lậu. Báo cáo Chính phủ dẫn chứng qua vụ án buôn lậu xăng dầu tại Đồng Nai đã khởi tố Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.
Qua vụ án sản xuất sách giáo khoa giả tại Hà Nội, đã khởi tố Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội và bốn bị can là cán bộ Cục Quản lý thị trường Hà Nội.
Quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu… có nhiều sơ hở
Thẩm tra báo cáo trên của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như hiếp dâm trẻ em 637 vụ (tăng 9,26%); lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 2.360 vụ (tăng gần 4,2%), gây rối trật tự công cộng 469 vụ (tăng gần 19%).
Số vụ giết người tuy có giảm (gần 1.050 vụ, giảm 7,26%) tuy nhiên xảy ra một số vụ với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng, chống dịch và lực lượng Công an...
“Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn nữa về hiệu quả của công tác phòng ngừa với các loại tội phạm này, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và có giải pháp để đấu tranh có hiệu quả trong thời gian tới”- báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Uỷ ban Tư pháp cũng đánh giá công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.
Cơ quan thẩm tra dẫn chứng vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Tim Hà Nội; Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Quảng Ninh; Vụ án xảy ra tại Tổng Công ty thoát nước Hà Nội trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C…
Ngoài ra, Uỷ ban Tư pháp cũng lưu ý việc quản lý các đối tượng tâm thần đang chữa bệnh bắt buộc tại một số cơ sở y tế còn có sơ hở, để đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật. Đáng chú ý có cả trường hợp người đang chữa bệnh tâm thần bắt buộc tổ chức sử dụng, mua, bán ma túy ngay tại cơ sở chữa bệnh và có sự tiếp tay của nhân viên y tế .
“Dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần sớm có quy định của pháp luật về vấn đề này”- báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Hiện Nghị định số 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định: Ngoài các tổ chức, đơn vị như Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; một số tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.