Tháng 5-2014, TAND tỉnh Vĩnh Long xử phúc thẩm đã tuyên buộc ông Bùi Lê Hữu Thọ (ngụ xã Chánh An, huyện Mang Thít) phải trả cho ông Lê Văn Tuấn hai khoản 594 triệu đồng và 313 triệu đồng. Trường hợp ông Thọ không thanh toán hoặc thanh toán không đủ đối với khoản 594 triệu đồng thì ông Bùi Hữu Mai (người bảo lãnh) có trách nhiệm trả thay cho ông Thọ.
Thi hành án huyện: Chưa có cơ sở để kê biên
Sau khi ông Tuấn có đơn yêu cầu thi hành án (THA), tháng 4-2014, THADS huyện Mang Thít (nơi xử sơ thẩm) ra quyết định THA.
Không chỉ yêu cầu THA, ông Tuấn còn tự đi xác minh tài sản của người phải THA để yêu cầu cơ quan THA kiểm tra, đối chiếu làm cơ sở kê biên tài sản đảm bảo cho việc THA. Cụ thể, tháng 7-2014, ông Tuấn đã nhờ Văn phòng Thừa phát lại Vĩnh Long xác minh. Theo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Mang Thít (nay là Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Mang Thít) thì ông Mai, người bảo lãnh cho ông Thọ, có tổng cộng 20 thửa đất lớn nhỏ tại thời điểm xác minh không có kê biên, chuyển nhượng. Cạnh đó, Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Long cũng gửi công văn cho ông Tuấn thông báo ông Mai đang sử dụng chiếc ô tô hiệu BMW, đứng tên công ty ông Mai làm chủ.
Do THADS huyện Mang Thít không ra quyết định kê biên số tài sản trên nên ông Tuấn làm đơn khiếu nại, tố cáo. Sau đó nhiều lần THA huyện mời ông Tuấn lên làm việc nhưng chỉ lập biên bản ghi yêu cầu rồi nói ông về nhà chờ. Tháng 11-2014, THA huyện mới có công văn trả lời cho ông Tuấn với nội dung chưa phát hiện tài sản của ông Thọ để THA. Đối với tài sản của ông Mai thì chưa có cơ sở để kê biên, THA sẽ xác minh lại để có hướng xử lý...
Ông Lê Văn Tuấn trình bày sự việc. Ảnh: T.TÙNG
Thi hành án tỉnh: Tiếp nhận đơn rồi… để đó
Ông Tuấn lại tự đi xác minh và yêu cầu THA kê biên. Tháng 7-2015, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Mang Thít gửi phiếu xác minh trực tiếp cho ông Tuấn khẳng định đến thời điểm này ông Mai vẫn đứng tên 20 thửa đất nêu trên và đều không có đăng ký thế chấp, bảo lãnh hay chuyển quyền sử dụng đất.
Tháng 9-2015, Chi cục THADS huyện lại có công văn gửi ông Tuấn cho biết do vụ án phức tạp nên huyện đã có công văn đề nghị Cục THADS tỉnh rút hồ sơ lên thi hành nhưng bị tỉnh từ chối. Ngoài ra, tài sản của phía người phải THA có liên quan đến việc thế chấp vay vốn tại ngân hàng nên THA sẽ tiếp tục làm rõ...
Đến tháng 11-2015, Cục THADS tỉnh Vĩnh Long đã rút hồ sơ vụ việc lên để trực tiếp thi hành. Thấy vậy ông Tuấn gửi đơn yêu cầu Cục THADS nhanh chóng ra quyết định kê biên tài sản của phía phải THA để tránh việc tài sản bị tẩu tán. Tuy nhiên, Cục THADS tỉnh tiếp nhận đơn rồi để đó, đến thời điểm này vẫn chưa ra quyết định cưỡng chế THA dù ông Tuấn đã gửi đơn khiếu nại đi nhiều nơi.
VKSND tỉnh đã yêu cầu cưỡng chế
Để làm rõ sự việc, ngày 18-5, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã đến Cục THADS tỉnh Vĩnh Long tìm hiểu thông tin nhưng không gặp được người có thẩm quyền. Ông Nguyễn Thành Thanh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục THADS tỉnh này, cho biết do lãnh đạo bận họp nên ông chỉ ghi nhận yêu cầu của PV, sau đó trình xin ý kiến, khi nào sắp xếp được cuộc hẹn thì phía THA sẽ thông báo sau. Theo ông Dũng, đây là vụ việc phức tạp, cần phải có thời gian nghiên cứu hồ sơ trước khi gặp báo chí…
Còn theo ông Lê Hồng Đức, Trưởng phòng Kiểm sát THADS - VKSND tỉnh Vĩnh Long, trong tháng 2 và tháng 4 vừa rồi, VKSND tỉnh đã hai lần ban hành công văn yêu cầu Cục THADS tỉnh ra quyết định cưỡng chế THA. Theo đó, công văn cho biết căn cứ vào hồ sơ thì VKSND tỉnh nhận thấy phía người phải THA có điều kiện THA nhưng không tự nguyện THA. Từ đó, VKS yêu cầu cục trưởng Cục THADS chỉ đạo chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế để thi hành.
Ông Đức nói: “Với vai trò giám sát việc THA, chúng tôi đã yêu cầu THADS tỉnh phải cưỡng chế THA nhằm đảm bảo bản án của tòa đã có hiệu lực pháp luật được thi hành kịp thời, đầy đủ và đúng pháp luật...”. Hiện VKSND tỉnh cũng đã chuyển khiếu nại của ông Tuấn đến Cục THADS và đang kiểm sát việc trả lời khiếu nại này.
Về thông tin tài sản của người phải THA có liên quan đến khoản vay ngân hàng, ông Đức cho biết Cục THADS phải nhanh chóng yêu cầu ngân hàng phối hợp cung cấp thông tin rõ ràng, kịp thời. Nếu thực sự có việc toàn bộ tài sản của người phải THA đã thế chấp vay vốn thì cơ quan THA phải tính toán xem giá trị của khối tài sản đó so với khoản nợ (tính đến thời điểm THA) ra sao. Trường hợp thấy giá trị của tài sản lớn hơn khoản nợ thì theo luật THA vẫn phải kê biên bán đấu giá tài sản để THA, tất nhiên phải ưu tiên thanh toán cho ngân hàng trước, sau đó mới đến người được THA.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn biến mới.
VKSND tỉnh yêu cầu Cục THADS rút hồ sơ lên Theo đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Long, ban đầu Cục THADS tỉnh không đồng ý việc lấy hồ sơ vụ việc lên thụ lý giải quyết theo đề nghị của cấp dưới. Tuy nhiên, sau khi xem xét đơn của người được THA thì Phòng Kiểm sát THADS thuộc VKSND tỉnh đã về VKSND và Chi cục THADS huyện Mang Thít kiểm tra và yêu cầu phôtô toàn bộ hồ sơ để nghiên cứu. Quá trình kiểm sát cho thấy Chi cục THADS huyện vi phạm về thời gian THA nên VKSND tỉnh đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo Cục THADS tỉnh yêu cầu cơ quan này rút hồ sơ lên để thi hành. Từ đó, Cục THADS tỉnh mới chấp thuận và ra quyết định rút hồ sơ lên. “Tôi xin trả chậm” Trao đổi qua điện thoại với PV sáng 22-5, ông Bùi Lê Hữu Thọ cho biết lý do hai năm qua ông không tự nguyện THA là do ông không có tài sản chứ ông không muốn chây ì. “Tôi mới có việc làm nửa năm nay với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng nên tôi đã có đơn gửi cơ quan THA xin trả chậm cho ông Tuấn mỗi tháng 7-10 triệu đồng. Đến thời điểm hiện nay, tôi đã nộp cho THA được khoảng 30 triệu đồng. Về tài sản bảo lãnh của ông Bùi Hữu Mai (cha tôi), theo tôi biết thì đang thế chấp tại ngân hàng nên không thể bán để THA cho tôi được” - ông Thọ nói. |