Ngày 25-5, TAND TP.HCM xử sơ thẩm Trần Hoàng cựu phó giám đốc Ngân hàng liên doanh Việt - Nga (viết tắt là VRB) chi nhánh TP.HCM, cùng đồng phạm.
Các bị cáo bị truy tố về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Vụ án được khởi tố từ năm 2010, với nhiều lần đổi thẩm phán và trả hồ sơ để điều tra bổ sung vẫn chưa có hồi kết. Dự kiến phiên xử sẽ kéo dài.
Trong quá trình mở phiên toà trước đó, các luật sư đề nghị toà triệu tập thêm cá nhân, tổ chức để làm rõ nhiều vấn đề của vụ án. Cạnh đó, các luật sư chỉ ra hàng loạt vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra khiến vụ án kéo dài...
Về mặt nội dung, cơ quan điều tra cho rằng các bị cáo ở cương vị sếp ngân hàng trong quá trình giải ngân đã vi phạm các quy định của Nhà nước và ngân hàng về tài sản đảm bảo dẫn tới không có khả năng thu hồi khoản nợ trên.
Tuy nhiên các luật sư và bị cáo cho rằng khoản vay trên không có thiệt hại do có tài sản để đủ thanh toán.
Các bị cáo (đứng) cùng luật sư bảo vệ cho các thân chủ tại toà. Ảnh: H.Y
Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng nhiều lần trả hồ sơ để giám định lại các tài sản thế chấp, xác định thiệt hại vụ án.
Năm 2016, Bộ Công an và VKSND Tối cao ra quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án và năm bị can với lý do các tài sản bảo đảm là ba bất động sản tại quận 2 thừa đề thu hồi nợ.
Nhưng đầu năm 2018, cơ quan tố tụng phục hồi điều tra vì cho rằng các tài sản trên không có giá trị thế chấp, nên không được kê biên giải quyết trong vụ án. Quyết định này căn cứ vào giám định của Ngân hàng Nhà nước cho là các tài sản VRB nhận thế chấp không đảm bảo theo quy định.
Cơ quan điều tra xác định các bị cáo có trách nhiệm đối với thiệt hại 120 tỉ đồng của VRB. Tuy nhiên, phía ngân hàng VRB cho rằng không thiệt hại, do vẫn nắm giữ tài sản thế chấp của hai khoản vay.
Bên gỡ tội cho rằng ba bất động sản ở quận 2 VRB nhận thế chấp là đúng quy định. Đây cũng là vật chứng trong vụ án nên phải kê biên xử lý đảm bảo quyền lợi của người bị hại là VRB và trách nhiệm của các bị cáo.
Tuy nhiên, những tài sản này đã bị các cơ quan tố tụng xử lý trong vụ kiện dân sự khác, trong khi VRB vẫn giữ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu.
Cạnh đó tài sản thế chấp là khu nhà kho tại Bình Dương, các bị cáo cho là đang có giá trị rất lớn, trên 300 tỉ đồng - dư để trả nợ cho VRB và các chủ nợ khác. "Tuy nhiên VKSND Tối cao đã quyết định giao trả giấy chứng nhận quyền tài sản cho một ngân hàng liên quan.
Nếu các tài sản này được cơ quan tố tụng xử lý một cách minh bạch, đúng pháp luật sẽ tạo điều kiện cho Nhà nước thu hồi tài sản..." các bị cáo viết trong đơn kêu cứu.
Nội dung cáo buộc Năm 2008-2009, theo đề xuất của Trần Đình Diệu (cựu cán bộ phòng quan hệ khách hàng), ông Hoàng phê duyệt, quyết định giải ngân cho Công ty Minh Chí và Công ty An Phúc của vợ chồng Phạm Thị Ái Loan và Hồ Minh Hậu vay ngắn hạn 130 tỉ. Đến tháng 2-2010, vợ chồng Loan bỏ trốn, để lại khoản nợ 120 tỉ. Quá trình giải ngân, ông Hoàng và cấp dưới đã vi phạm các quy định của Nhà nước và ngân hàng về tài sản đảm bảo dẫn tới không có khả năng thu hồi khoản nợ trên. Cụ thể, Lê Vũ Trường Sanh (cựu phó phòng quan hệ khách hàng) đồng ý đề xuất, giải ngân chín khoản vay của Công ty Minh Chí gây thiệt hại gần 32 tỉ đồng. Phạm Bá Chánh (cựu phó phòng quan hệ khách hàng VRB) đề xuất giải ngân một khoản vay của Công ty An Phúc nhưng không có tài sản đảm bảo gây thiệt hại số tiền 22 tỉ đồng. Còn ông Lê Nông (cựu giám đốc chi nhánh) được xác định là không chỉ đạo, yêu cầu thực hiện biện pháp đảm bảo tiền vay theo các quy định cũng như không có biện pháp kiểm tra, xử lý hoạt động của cấp dưới dẫn đến việc giải ngân cho vay không có tài sản đảm bảo gây thiệt hại cho ngân hàng. Hành vi của ông Nông phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, ông Hoàng và các đồng phạm còn có hành vi đề xuất, phê duyệt cho hai công ty trên được vay hỗ trợ lãi suất không đúng quy định gây thiệt 4,7 tỉ ngân hàng. Tuy nhiên, do vợ chồng Loan đang bỏ trốn nên cơ quan chức năng tạm đình chỉ vụ án, khi nào bắt được sẽ xử lý. |