Ngày 21-5, sau hai ngày xét xử vụ án liên quan đến cựu bí thư thị xã Bến Cát mua đất phát mại với giá bèo gây thất thoát tài sản nhà nước, HĐXX TAND tỉnh Bình Dương đã thông báo nghị án một tuần.
Bị cáo Khanh vẫn một mực kêu oan và cho rằng mình bị trù dập. Ảnh: KD
Trong hôm nay, phần tranh luận giữa VKS và phía luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng hết sức căng thẳng. Phía VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố trong bản cáo trạng.
Còn phía các luật sư bào chữa cũng đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ chứng minh việc truy tố của VKS đối với bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (cựu bí thư thị xã Bến Cát), Nguyễn Huy Hùng (cựu giám đốc Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (cựu phó trưởng Phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí là thiếu căn cứ.
Bên cạnh đó, bảy luật sư bào chữa đã cùng ký vào văn bản kiến nghị gửi HĐXX, đề nghị HĐXX cho xác minh dấu hiệu lập khống tài liệu định giá và giá trị định giá trong vụ án.
Văn bản kiến nghị của các luật sư. Ảnh: LÊ ÁNH
Theo dẫn chứng của các luật sư, trong tài liệu công ty thẩm định giá Thế Hệ Mới đưa ra có nhiều nội dung bất hợp lý, có dấu hiệu lập khống.
Cụ thể, phía công ty này cung cấp phiếu thu thập thông tin, khảo sát giá bán đất của bà Đ.T.T.T (xã An Tây, thị xã Bến Cát) với giá 4,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế bà T. chỉ bán đất với giá 900 triệu đồng(cao gấp 5 lần). Ngoài ra, bà T. còn cho biết chưa hề gặp đại diện của Công ty Thế Hệ Mới.
Trong phần luận tội, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm của mình trong bản cáo trạng và đề nghị mức án từ 10 đến 12 năm đối với bị cáo Khanh, mức án từ 12 đến 14 năm đối với bị cáo Hùng, Lộc.
Ở lời nói sau cùng, các bị cáo vẫn một mực kêu oan. Bị cáo Khanh còn nói rằng mình bị trù dập.
Theo dự kiến, ngày 28-5, HĐXX TAND tỉnh Bình Dương sẽ tuyên án.
Đây là vụ án gây xôn xao dư luận, kéo dài hơn hai năm vẫn chưa giải quyết xong. Vụ án này từng nhiều lần tạm hoãn vì nhiều lý do. Mới đây nhất, khi HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì phía Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương lại tách vụ án ra làm hai vụ án khác nhau. Công an đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với nhóm bốn bị can bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với ba bị can Linh, Luân, Tâm (bị can Thọ được tại ngoại từ khi bị khởi tố). Theo cáo trạng, sau khi điều tra bổ sung, trong thời gian từ năm 2005 đến 2008, bà Hồ Thị Hiệp (Giám đốc Công ty An Tây) đã vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Tây Sài Gòn hơn 72 tỉ đồng, thông qua sáu bản hợp đồng. Tài sản thế chấp khi vay gồm hơn 20 ha đất, nhà xưởng, máy móc của Công ty An Tây với trị giá theo thẩm định tài sản vào khoảng gần 81 tỉ đồng. Đến năm 2008, Công ty An Tây không có khả năng trả nợ nên Ngân hàng BIDV đã đưa khoản vay này vào danh mục nợ xấu; sau đó, phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Thông qua môi giới, bị cáo Khanh đã câu kết với bị cáo Hùng, Lộc và bà Hiệp mua toàn bộ tài sản thế chấp của bà Hiệp với giá hơn 33 tỉ đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng BIDV chỉ thu hồi nợ số tiền hơn 7,7 tỉ đồng, gây thất thoát số tiền hơn 26 tỉ đồng. (Theo cáo trạng trước bị cáo Khanh đã mua đất của bà Hiệp với giá 46 tỉ đồng, ngân hàng thu hồi được hơn 10 tỉ đồng và gây thất thoát gần 36 tỉ đồng)
|