Ngày 6-5, TAND Tối cao mở phiên xử giám đốc thẩm xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải bị tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản, xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (Long An). Đúng 8 giờ, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao gồm 17 thành viên bước vào phòng xét xử.
Không làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm
Phát biểu khai mạc, chủ tọa phiên tòa, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra từ tháng 1-2008, khiến hai nhân viên Bưu điện Cầu Voi tử vong và gây bức xúc dư luận.
Vụ án đã qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước có quyết định tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Cuối năm 2019, viện trưởng VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại vụ án này theo thủ tục giám đốc thẩm.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay nhiệm vụ của phiên giám đốc thẩm là kiểm tra, thẩm định, đánh giá tính hợp pháp, có căn cứ của các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án, trong đó chủ yếu làm rõ những nội dung trong kháng nghị của VKSND Tối cao.
Những nội dung khác không bị kháng nghị, nếu cần thiết, cũng được nêu ra để làm rõ tổng quan của vụ án. Hội đồng cũng sẽ xem xét, làm rõ các chứng cứ, tài liệu mới gửi tới Hội đồng Thẩm phán.
Chánh án Bình nói: “Yêu cầu đặt ra với phiên tòa là phải xem xét cẩn trọng, khách quan, toàn diện, đúng thủ tục pháp luật trên cơ sở phán quyết chặt chẽ, thận trọng, công tâm, không cho phép làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm”.
Toàn cảnh phiên tòa giám đốc thẩm. Ảnh: Congly.vn
Mẹ và em gái Hồ Duy Hải chờ đợi bên ngoài TAND Tối cao. Ảnh: TP
VKS đề nghị hủy án, điều tra lại
Tại phiên tòa, đại diện VKSND Tối cao đã nêu các lý do kháng nghị. Theo đại diện VKS, nội dung lời khai của Hồ Duy Hải mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi chưa được điều tra.
Đáng chú ý, nội dung hai bản án xác định chiếc ghế được thu giữ là công cụ phạm tội nhưng thực tế chiếc ghế đó không liên quan đến vụ án. Hai đồ vật là con dao và cái thớt thu giữ được không có giá trị chứng minh về công cụ gây án của người phạm tội.
Cũng theo VKS, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định về vết máu; không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Cụ thể, khám nghiệm hiện trường nhưng không thu giữ vật chứng của vụ án. Cái thớt, chiếc ghế là vật chứng quan trọng và là vật mang dấu vết của tội phạm. Khám nghiệm hiện trường đã ghi nhận, chụp ảnh nhưng không thu giữ để truy nguyên là thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Ngoài ra, không giám định để xác định thời điểm chết của nạn nhân. Không trưng cầu giám định ngay dấu vết máu thu được khi khám nghiệm hiện trường mà để bốn tháng sau mới kết luận. Mẫu dấu vết ghi thu ở ngoài cửa nhà sau và trong nhà vệ sinh Bưu điện Cầu Voi là máu người, không xác định được nhóm máu do đã bị phân hủy.
Cạnh đó, lời khai đầu tiên ngày 30-3-2008 của bị cáo không nhận tội nhưng lời khai này và một số lời khai của nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án… Từ những căn cứ trên, VKSND Tối cao đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết phiên xử sẽ xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác về từng vấn đề nêu trong kháng nghị.
Có bỏ lọt tội hiếp dâm?
Trong ngày đầu xét xử, các vấn đề chưa rõ liên quan đến hai hành vi hiếp dâm và cướp của Hồ Duy Hải được mổ xẻ khá kỹ.
Trong kháng nghị, VKSND Tối cao cũng chỉ ra có mâu thuẫn trong các lời khai của Hải liên quan đến hành vi hiếp dâm nạn nhân Hồng. Ban đầu Hải khai định quan hệ tình dục nhưng chị Hồng phản ứng, bỏ vào nhà vệ sinh. Nhiều lời khai sau Hải khai khống chế, dùng hai tay bóp cổ, cởi hết quần áo của nạn nhân Hồng, giao cấu xong cả hai mặc lại quần áo. Sau đó, Hải lại khai khống chế chị Hồng, chưa làm được gì thì bị chị Hồng đạp vào bụng bật ra, chị Hồng bật dậy chạy ra ngoài.
Về nội dung này, điều tra viên (ĐTV) cho biết tại biên bản hỏi cung có kiểm sát viên (KSV) tham gia, Hải đã khai là không hiếp dâm. Lời khai đó phù hợp với kết quả khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường.
Chủ tọa phiên giám đốc thẩm hỏi bằng chứng cụ thể cho thấy Hải không hiếp dâm, ĐTV trả lời khi khám nghiệm tử thi nạn nhân Hồng thì trong âm đạo có chất nhầy nhưng không có tinh trùng. Còn trên thi thể của nạn nhân thứ hai là chị Vân thì không có dấu vết xốc xếch quần áo, không có chấn thương và chị Vân còn màng trinh.
KSV cấp phúc thẩm cho rằng Hải nảy sinh ham muốn quan hệ tình dục với chị Hồng nên mới đưa tiền cho chị Vân đi mua trái cây. Sau đó, Hải dùng hai tay giữ tay chị Hồng rồi xuất tinh ra áo. Tại hiện trường, áo của chị Hồng bị lật lên lộ hai vú, âm hộ có chất nhầy. Do đó có dấu hiệu bỏ lọt tội hiếp dâm.
Thành viên Hội đồng Thẩm phán đề nghị đại diện VKSND Tối cao giải thích về việc kháng nghị chỉ nêu có mâu thuẫn trong lời khai của Hải, không nhắc đến hành vi hiếp dâm, tại phiên tòa lại đặt vấn đề bỏ lọt tội hiếp dâm.
Một thẩm phán khác cho rằng kháng nghị nêu chưa đủ căn cứ chứng minh Hải có mặt tại hiện trường nhưng nay lại đặt vấn đề về hành vi hiếp dâm của Hải. Vậy có phải là xác nhận Hải có mặt tại hiện trường không?
Chánh án Nguyễn Hòa Bình sau đó đề nghị VKSND Tối cao khi viết kháng nghị cần nêu rõ ràng, đầy đủ. VKS cho rằng lọt tội hiếp dâm nhưng kháng nghị viết không rõ thành ra thiếu tội danh. Khi đánh giá, hội đồng sẽ xem xét tình tiết bị cáo hiếp dâm nhưng lại xuất tinh ra áo thì có phù hợp với tâm lý tội phạm hay không.
Trong quá trình trả lời, các ĐTV cho biết có nhiều thiếu sót trong quá trình điều tra.
Hôm nay phiên tòa tiếp tục.
Cơ sở nào khẳng định Hồ Duy Hải lấy tài sản? Quyết định kháng nghị nêu có mâu thuẫn về việc tiêu thụ tài sản. Ban đầu Hải khai bán điện thoại cho một thanh niên lạ mặt được 200.000 đồng, bán nữ trang được 3 triệu đồng nhưng không nhớ tiệm nào ở TP.HCM. Sau đó, Hải lại khai bán nữ trang cho một thanh niên lạ mặt được 3 triệu đồng, rồi lại khai bán điện thoại cho một cô gái trên đường Hùng Vương được 200.000 đồng, bán nữ trang cho một cô gái ở tiệm thứ hai được 3,5 triệu đồng… Thành viên Hội đồng Thẩm phán đặt vấn đề có cơ sở nào để khẳng định Hải đã lấy tài sản và có cơ sở nào để chứng minh rằng Hải đã bán tài sản ở địa điểm nào? Đại diện cơ quan điều tra tỉnh Long An cho biết khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân Hồng mất một đôi bông tai, dây chuyền và hai chiếc nhẫn. Đây là những đồ trang sức người nhà nạn nhân và một nhân chứng là người ăn cơm cùng nạn nhân trước khi vụ án xảy ra khẳng định vẫn thấy chị Hồng mang đồ trang sức đó. Chi tiết quan trọng khác là Hải khai đã lấy dây chuyền của chị Hồng nhưng chỉ có dây, không mặt. Khi khám nghiệm tử thi thì mặt dây chuyền còn mắc trong áo ngực của nạn nhân. Như vậy là lời khai của Hải về việc lấy dây chuyền rất phù hợp với thực tế khách quan… ĐTV cũng cho hay cơ quan điều tra không tổ chức đối chất giữa Hải và người mua điện thoại, mua vàng bởi vì sự việc xảy ra sau nhiều tháng, người mua không thể nhớ được người bán do khách rất đông, nên đối chất cũng không có ý nghĩa... Luật sư Trần Hồng Phong chỉ được tham dự một buổi Phó viện trưởng VKSND Tối cao được viện trưởng ủy quyền đến tham dự phiên tòa. Các ĐTV tham gia điều tra vụ án là ông Lê Thành Trung (hiện là trưởng Công an huyện Đức Hòa, Long An), Nguyễn Văn Linh (hiện là phó trưởng Phòng PC06, Công an tỉnh Long An) có mặt tại phiên tòa. Ông Nguyễn Thanh Phong (hiện là phó trưởng Công an huyện Đức Hòa, Long An) là cán bộ điều tra vụ án, lập biên bản, quyết định lệnh tạm giam đối với Hồ Duy Hải vắng mặt. Các cán bộ giám định hiện trường, bác sĩ khám nghiệm tử thi được tòa mời đến đều có mặt. Ông Lê Quang Hùng, thẩm phán phiên tòa sơ thẩm, có mặt tại phiên tòa. Bị án Hồ Duy Hải không được triệu tập đến phiên xử. Luật sư (LS) Trần Hồng Phong (Đoàn LS TP.HCM) - người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải được mời tham gia phiên tòa nhưng chỉ được dự trong buổi sáng. LS Phong cho biết ông đã làm đơn xin tham dự cả ba ngày diễn ra phiên giám đốc thẩm nhưng không được hội đồng chấp thuận. |