‘Xoa đầu các cháu mà bị tội dâm ô thì chết’

Cuối tuần qua, TAND Tối cao tổ chức hội thảo tham vấn đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định của BLHS về tội phạm xâm hại tình dục. Đáng chú ý, quy định gây nhiều tranh luận nhất liên quan đến hướng dẫn thế nào là dâm ôcó tính chất loạn luân.

Hướng dẫn dâm ô và không phải dâm ô

Theo dự thảo nghị quyết lần hai, dâm ô là một trong các hành vi nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của người bị hại là người dưới 16 tuổi. Các hành vi này gồm:

(a) Sờ, bóp, hôn, vuốt ve vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông…) trên cơ thể người dưới 16 tuổi;

(b) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn, vuốt ve vào những bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác;

(c) Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi;

Hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (như qua lớp quần áo…).

Như vậy, so với dự thảo lần một, nhóm soạn thảo đã bổ sung thêm hành vi “vuốt ve” theo đề xuất trước đó của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu.

Ngoài ra, hướng dẫn cũng bổ sung thêm quy định: Trường hợp người thực hiện hành vi tương tự các hành vi tại các điểm a, b, c nhưng là hoạt động chăm sóc thường ngày của cha mẹ đối với con, giáo viên mầm non đối với trẻ mầm non thì không bị coi là dâm ô.

“Quy định như dự thảo thì rộng quá”?

“Trong những người ngồi đây, chúng tôi là những người mong muốn có hướng dẫn này nhất. Thực tiễn, nhiều vụ do không có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên anh em dưới địa phương rất vướng mắc” - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) Phạm Văn Tám chia sẻ tại hội thảo.

Bình luận về dự thảo hướng dẫn, ông Tám cho rằng mỗi người có một vùng nhạy cảm riêng. “Tuy nhiên, tôi băn khoăn khi dự thảo quy định vùng đầu cũng được coi là vùng nhạy cảm. Cứ xoa đầu các cháu đều thành dâm ô thì chết!” - ông Tám nói.

Đồng tình, cựu thẩm phán TAND Tối cao Nguyễn Quang Lộc cũng lo ngại nếu quy định như dự thảo, hành vi vuốt ve vào đầu, má cũng có thể bị khép tội. PGS-TS Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, thì nhận xét: “Chúng tôi thấy quy định như dự thảo rộng quá, sẽ dẫn đến việc xử lý hình sự tràn lan”. TS Miên cho rằng nhóm tác giả đang chịu nhiều sức ép của dư luận khi xây dựng hướng dẫn này. Bà cũng đồng tình với các ý kiến đề nghị loại đầu khỏi vùng nhạy cảm, hơn nữa, khái niệm ngực là thiếu rõ ràng.

“Tôi hay thơm trẻ con lắm. Các cháu quý bà nhiều khi còn thơm vào môi bà. Có vấn đề gì đâu, bởi hành vi ấy không phải để thỏa mãn nhu cầu tình dục” - phó giám đốc Học viện Tư pháp dẫn chứng. Bà Miên nói thêm: “Bản chất của dâm ô là thỏa mãn nhu cầu tình dục, cho nên sờ, hôn vào má, trán cũng không bị coi là dâm ô. Tôi đề nghị chúng ta phải thu hẹp lại những bộ phận nào đụng chạm vào mới là dâm ô”. Theo bà, nếu quy định mở rộng như dự thảo, người dân sẽ rất bất an, bởi nhiều hành vi là biểu hiện yêu thương của con người lại bị ghép vào hành vi dâm ô.

Ngoài ra, quy định mới bổ sung thêm trong dự thảo phần hướng dẫn về dâm ô cũng gây nhiều tranh luận. Ông Nguyễn Văn Hoàn, cựu phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính (Bộ Tư pháp), cho rằng quy định này rất phản cảm.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tám lại cho rằng nên giới hạn độ tuổi của các cháu. “Từ 10 đến dưới 16 tuổi là lớn lắm rồi. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt các cháu không tự chủ được, còn ở độ tuổi đó, nếu cha mẹ cứ thường xuyên sờ mó vào bộ phận sinh dục các cháu thì phải xem lại” - ông Tám cảnh báo.

Bà Dương Tuyết Miên cũng đề nghị bỏ quy định nêu trên. “Quy định chỉ loại trừ trường hợp giữa bố mẹ và giáo viên, vậy ông bà cưng cháu không được hay sao? Chưa kể bố cũng có thể dâm ô con, nếu bố đụng chạm vào bộ phận sinh dục của con để thỏa mãn nhu cầu tình dục” - bà Miên nhấn mạnh.

Bố chồng, nàng dâu quan hệ là loạn luân?

Hướng dẫn về tình tiết định khung “có tính chất loạn luân”, dự thảo quy định gồm các trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với: (a) Người cùng dòng máu về trực hệ, anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; (b) Con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế; (c) Con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.

Các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều cho rằng dự thảo đã hướng dẫn quá mở rộng, vượt quá quy định của BLHS. Ông Nguyễn Văn Hoàn cho rằng các trường hợp (b), (c) hoàn toàn không có liên quan gì đến huyết thống. Ông băn khoăn, theo cách thức như vậy thì quan hệ cha mẹ nuôi - con nuôi có được xét đến hay không. “Nếu muốn mở rộng thêm, có chăng chỉ mở rộng tới phạm vi ba đời cấm kết hôn, như vậy vừa có ảnh hưởng về mặt xã hội, vừa có tính huyết thống” - ông Hoàn nêu quan điểm.

“Hướng dẫn mở rộng quá mà không đủ. Đây là vấn đề đạo đức, nếu đưa vào là hướng dẫn vượt qua quy định của luật” - cựu thẩm phán TAND Tối cao Nguyễn Quang Lộc nhận xét.

PGS-TS Dương Tuyết Miên cũng cho rằng hai trường hợp sau là hành vi sai trái, vi phạm đạo đức nhưng không thể coi là loạn luân. “Ta có thể xử lý bằng biện pháp khác nhưng không xử lý hình sự được” - bà Miên góp ý.

Không dám khởi tố vì sợ oan, sai

Từ thực tiễn xét xử thời gian qua, TAND Tối cao nhận định: Các cơ quan tố tụng đã kịp thời phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Hình phạt mà tòa án áp dụng đối với loại tội phạm này rất nghiêm khắc.

Trong năm năm (2013-2017), tòa đã thụ lý gần 8.260 vụ án/gần 8.900 bị cáo; trong đó xét xử gần 7.600/hơn 8.100 bị cáo. Tỉ lệ trả hồ sơ cho VKS chiếm 6,65% số vụ án và 6,88% số bị cáo.

Tuy nhiên, tình hình các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng tăng về tính chất và mức độ nghiêm trọng. Theo thống kê từ Bộ Công an, năm 2018 có gần 1.550 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với gần 1.670 đối tượng, xâm hại gần 1.580 em; trong đó số vụ xâm hại tình dục gần 1.270 vụ, xâm hại hơn 1.140 em.

TAND Tối cao cho rằng việc phát hiện, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm gặp rất nhiều khó khăn do thiếu dấu vết, chứng cứ. Đối tượng có hành vi xâm hại thường rất khôn khéo để che đậy hành vi phạm tội của mình, kể cả việc đe dọa, khống chế nạn nhân. Mặt khác, trẻ em chưa đủ nhận thức để có thể nhận biết đâu là hành vi xâm hại tình dục, nhiều trẻ bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại nên không thể trình báo cơ quan chức năng hoặc khai báo không thống nhất…

Cạnh đó, nhiều gia đình không tố giác tội phạm do sợ ảnh hưởng đến tương lai của con hoặc khai báo chậm nên rất khó khăn trong khâu thu nhập, đánh giá chứng cứ.

Cũng theo TAND Tối cao, cơ quan chức năng lấy lý do người bị hại khai báo không nhất quán; chứng cứ, dấu vết mờ nên không dám khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì sợ oan, sai; khi xét xử thì lấy lý do lời khai người bị hại bất nhất, không đáng tin cậy nên không dám tuyên án.

Luật Mỹ quy định về dâm ô

Tại hội thảo, PGS-TS Dương Tuyết Miên dẫn chứng quy định của nước Mỹ về dâm ô và nhận xét “quy định này rất chuẩn và chặt chẽ”.

Theo đó, dâm ô được hiểu là hành vi sờ mó hoặc ép buộc người khác sờ mó trực tiếp hoặc qua quần áo vào âm hộ, dương vật, bìu, hậu môn, háng, vú, đùi trong, mông của bất kỳ ai với một trong các ý định lạm dụng, làm nhục, quấy rối, làm cho người khác xấu hổ, làm khơi dậy hoặc thỏa mãn ham muốn tình dục của bất kỳ người nào.

Ngoài ra, điều luật cũng giải thích thỏa mãn ham muốn tình dục của bất kỳ người nào là không chỉ cho nạn nhân hoặc người phạm tội mà còn có thể thỏa mãn người thứ ba. Việc sờ mó có thể được thực hiện bởi bất kỳ bộ phận nào của cơ thể hoặc qua công cụ nào khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm