Thế là sau 20 ngày dư luận chờ đợi, cuối cùng cựu viện phó Nguyễn Hữu Linh cũng bị khởi tố. Lẽ dĩ nhiên, sau khi có quyết định phê chuẩn của VKSND, cơ quan tố tụng quận 4, TP.HCM còn nhiều việc phải làm trước khi tòa án có phán quyết cuối cùng.
Nhưng từ vụ này lại gợi lên nhiều vấn đề không chỉ dành cho các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Do dư luận quá mong chờ nên khi có tin khởi tố ông Linh, nhiều người đã bày tỏ sự vui mừng “không cưỡng lại được”. Một phần họ cảm thấy công lý sẽ được thực thi nhưng điều lớn hơn, họ kỳ vọng vào sự nghiêm minh của pháp luật trong việc thẳng tay trừng trị hành vi xâm hại tình dục, nhất là đối với trẻ em.
Nếu vụ này có phán quyết kết tội của bản án có hiệu lực pháp luật, các cơ quan tố tụng sẽ không còn lướng vướng bởi hướng dẫn chưa sát thực tiễn của Thông tư liên tịch số 01 năm 1998 (của liên ngành tố tụng trung ương). Sẽ không còn người tiến hành tố tụng nào cảm thấy bị gò ép trong cái “khuôn” dâm ô là hành vi sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em nữa.
Thay vào đó, các cơ quan tố tụng khi gặp vụ tương tự có thể dẫn chiếu đến bản án vụ ông Linh, dù bản án này có được vào danh sách án lệ hay không. Lúc ấy, chỉ cần người phạm tội có hành vi ôm, ép hôn, đụng chạm vào bất kỳ đâu trên cơ thể trẻ em là có thể bị xem xét, xử lý về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Tuy nhiên, về lâu dài, để pháp luật được áp dụng thống nhất trên cả nước vẫn cần phải có hướng dẫn rõ ràng của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Đó cũng là trách nhiệm mà ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, vừa hứa trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cách đây ba ngày.
Hướng dẫn này phải vừa tránh chuyện thu hẹp khái niệm (như hướng dẫn cũ) nhưng đồng thời cũng không mở rộng ngoại diên quá mức để lại gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật. Nói như Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng, “hiểu mà rộng quá thì chưa đạt mục đích của BLHS; hiểu hẹp thì chưa đạt yêu cầu đấu tranh, đảm bảo công bằng xã hội”.
Sau 20 ngày từ khi thực hiện hành vi dâm ô với bé gái trong thang máy, ông Nguyễn Hữu Linh đã bị khởi tố.
Ngoài ra, có ý kiến lo ngại rằng từ đây những chuẩn mực xã hội xung quanh quan hệ gia đình như ông-cháu, chú-cháu… có thể thay đổi. Người ta sợ những cử chỉ nựng nịu, thể hiện tình cảm yêu thương tình thân máu mủ ruột rà có thể phải đối diện với những soi mói, quy kết rằng đó là hành vi không trong sáng, thậm chí còn bị cha mẹ của trẻ tố cáo.
Thiết nghĩ đó cũng là những lo ngại, giật mình cần thiết giúp chúng ta cân chỉnh quan niệm và thói quen cư xử. Thay vì thể hiện tình cảm một cách suồng sã, thái quá, người lớn nên thể hiện tình cảm với trẻ một cách đúng mực, tùy mối quan hệ cật ruột, thân sơ. Có lẽ sẽ không ai khó chịu khi thấy ông xoa đầu, cốc nhẹ trán cháu nhưng người ta sẽ dị nghị, phản ứng nếu bạn hôn má bé gái con nhà hàng xóm hay con của bạn bè.
Nói chung, cho dù bạn có thật sự trong sáng, bạn vẫn nên tập thói quen thể hiện cử chỉ, hành vi đúng mực để tránh bị hiểu nhầm.
Với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 BLHS hiện hành là vậy, với các hành vi quấy rối tình dục khác cũng lại là điều đáng bàn. Người ta không thể nào chấp nhận việc một người đổi 100 USD tại cơ sở không được cấp phép thì bị phạt 90 triệu đồng, còn người ép hôn cô gái trong thang máy lại chỉ bị phạt 200.000 đồng. Rõ ràng pháp luật bất cập đến buồn cười!
Ở Việt Nam, hành vi quấy rối tình dục trước giờ chưa được định nghĩa rõ ràng, bộ luật đầu tiên đề cập đến khái niệm này là Bộ luật Lao động 2012. Tuy nhiên, trước và sau bộ luật này, chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh kèm chế tài hành vi này. Vì vậy, cần phải luật hóa nó, phải đưa vào BLHS với hình phạt nghiêm khắc. Nếu hành vi quấy rối tình dục chưa đến mức xử lý hình sự thì phải bị phạt hành chính thật nghiêm.