Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa có kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, TAND và VKSND Tối cao và các bộ ngành liên quan về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em nói riêng và phòng chống xâm hại tình dục nói chung.
Theo đó, đơn vị này nhận định tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang diễn ra ngày càng phức tạp, để lại hậu quả nghiêm trọng với nạn nhân là trẻ em và gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Căn cứ cuộc họp ngày 19-4 vừa qua, Ủy ban Tư pháp kiến nghị Quốc hội tiến hành giám sát tối cao “Việc chấp hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” trong năm 2020.
Đối với Chính phủ, Ủy ban Tư pháp kiến nghị hướng dẫn cụ thể thế nào là “Quấy rối tình dục” quy định tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật Lao động và quy định hình thức xử phạt hành chính tương ứng nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý các trường hợp này trong thực tiễn.
Một vụ dâm ô trẻ em ở TP Hồ Chí Minh vừa được công an khởi tố.
Ủy ban Tư pháp cũng kiến nghị Bộ Công an, VKSND và TAND tối cao kịp thời rút kinh nghiệm đối với việc xử lý một số vụ án gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua. Từ đó chỉ đạo toàn ngành khắc phục những sai sót trong xử lý các vụ án liên quan, bảo đảm chấp hành đúng quy định của pháp luật về xử lý tin báo, tố giác, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian tới.
Trong đó, Ủy ban Tư pháp kiến nghị Chánh án TAND, Hội đồng Thẩm phán TAND sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật đối với các điều của BLHS quy định về xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung, hướng dẫn về “hành vi quan hệ tình dục khác”, đặc biệt xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ công an, TAND tối cao và các bộ, ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ cụ thể để thực hiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và các quy định của pháp luật liên quan trong việc xử lý tố giác, tin báo, thu thập chứng cứ, trưng cầu giám định, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và kiểm sát việc phát hiện, xử lý các tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung.
Với Bộ Công an, Ủy ban Tư pháp kiến nghị phối hợp với VKSND tối cao rà soát, sửa đổi quy trình yêu cầu khám ban đầu và trưng cầu giám định xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung, nhằm bảo đảm phù hợp với loại tội phạm này, tránh làm mất dấu vết, khó khăn cho việc xử lý.
Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế khẩn trương tiếp nhận và ưu tiên khám đối với các bệnh nhân bị xâm hại tình dục… nhằm bảo vệ chứng cứ, tránh làm mất dấu vết của tội phạm. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định chi tiết về các mức độ tổn thương, khuyết tật, tâm thần đối với trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại, làm cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, xác định mức độ hành vi phạm tội, góp phần xử lý triệt để các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Bộ LĐ-TB&XH cần tuyên truyền về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để gia đình, nhà trường, cộng đồng hiểu rõ quyền, trách nhiệm của mình trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đối với trẻ em….