Ý kiến về kháng nghị khi Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm

Trong vụ Hồ Duy Hải, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cho rằng quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước đang còn có hiệu lực mà viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự. Nhận định này đã gây nhiều tranh cãi trong giới luật học.

Có thể nói, việc gửi đơn xin ân giảm hình phạt tử hình lên Chủ tịch nước là hy vọng cuối cùng để giữ lại mạng sống của người bị kết án.

Phiên xử giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải. Ảnh: Congly.vn

Theo đó, trong hạn bảy ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình gửi đơn này lên Chủ tịch nước (hoặc sau khi Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình).

Trên cơ sở tờ trình của chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, Chủ tịch nước sẽ xem xét và có quyết định cuối cùng về việc chấp nhận ân giảm hay bác đơn xin ân giảm.

Xét về mặt ngữ nghĩa, bản thân từ ân giảm đã nói lên chính sách nhân đạo, khoan hồng đặc biệt của nhà nước ta đối với người bị kết án tử mà nhà nước xét thấy có thể ân giảm được. Quyền năng này được trao chỉ cho Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Về căn cứ pháp lý, BLTTHS 2015 không thiết kế riêng điều luật mà bố trí chung vào Điều 367 về Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành (thuộc chương XXIV, Phần thứ 5 - Một số quy định về thi hành bản án, quyết định của tòa án) để quy định về vấn đề này.

Theo đó, bản án tử hình được thi hành nếu chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước (điểm đ khoản 1).

Trường hợp thứ hai là bản án tử hình được thi hành khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm (nếu người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, theo điểm e khoản 1 Điều 367).

Từ phải qua: Em gái, mẹ và dì của Hồ Duy Hải trong ngày Tòa Tối cao xử giám đốc thẩm. Ảnh: T.PHAN

Theo Điều 80 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì trong hồ sơ thi hành án tử hình có cả bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình (nếu có).

Như vậy có thể thấy, quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước có ý nghĩa về mặt tố tụng mà BLTTHS quy định ở chỗ quyết định ấy là căn cứ để thi hành bản án tử hình (đã có hiệu lực pháp luật).

Đây cũng là lần xuất hiện duy nhất của của hành vi mang ý nghĩa, vai trò tố tụng của Chủ tịch nước trong BLTTHS.

Nói cách khác, hậu quả pháp lý của việc bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước là “điều kiện đủ” để thi hành bản án tử hình khi người bị kết án có đơn xin ân giảm.

BLTTHS không hề quy định trường hợp Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm thì các cơ quan tố tụng không được phép thực hiện các hành vi tố tụng khác.

Có lẽ vì vậy mà ở chương XXV quy định về Thủ tục giám đốc thẩm (trong Phần thứ 6 - Xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật), nhà làm luật đã không nhắc lại điều kiện hay căn cứ kháng nghị liên quan đến quyết định bác đơn ân giảm nói trên.

Hồ Duy Hải. Ảnh tư liệu

Đồng thời, khoản 2 Điều 379 BLTTHS 2015 (về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm) quy định: Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Với việc kháng nghị để xem xét lại một cách khách quan, toàn diện hai bản án sơ, phúc thẩm kết án Hồ Duy Hải mà không thi hành án tử hình ngay, dễ thấy trường hợp này đúng là kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án.

Đó là chưa nói, với việc quy định “cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ” thì rõ ràng mọi ràng buộc về điều kiện để kháng nghị BLTTHS đã không còn đặt ra nữa.

Bởi lẽ “người bị kết án đã chết” được hiểu là chết do bệnh hoặc cũng có thể chết do đã bị thi hành án tử hình rồi, tức bao hàm cả việc đã có quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước trước đó…

Cũng có ý kiến cho rằng trong thực tiễn, việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ được tiến hành khi chưa có quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước.

Hoặc khi đã có quyết định bác đơn, nếu muốn kháng nghị thì phải có quyết định thu hồi quyết định bác đơn xin ân giảm. Từ đó, quan điểm này cho rằng tuy BLTTHS không quy định nhưng do thực tiễn đã có rồi nên cần phải làm theo.

Chiếu theo quy định tại Điều 7 BLTTHS 2015 (về Bảo đảm pháp chế XHCN trong TTHS), có thể thấy quan điểm trên là chưa chính xác. Bởi lẽ điều luật này quy định: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này (tức BLTTHS 2015). Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm