Như PLOđã thông tin, liên quan đến clip hai ngư dân bị tra tấn, hành hạ trên biển đang xôn xao dư luận, ngày 17-11, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã có báo cáo về sự việc này.
Theo đó, UBND huyện Trần Văn Thời xác định clip ngư dân bị "tra tấn" là có thật, hai người trong sự vụ này đã trình báo công an vào tháng 5-2022. Hai ngư dân bị “tra tấn” được xác định là Trương Văn Tr (sinh năm 1975) và Lê Văn B (sinh năm 1992).
Sau khi nhận tin báo, Công an đã yêu cầu chủ ghe biển liên quan là bà Phạm Thị Hà (tên thường gọi là Năm Bô) đưa ghe vào bờ để tiến hành điều tra làm rõ (đã yêu cầu 3 lần). Tuy nhiên, đến nay ghe này vẫn chưa vào bờ nên Công an thị trấn Sông Đốc vẫn chưa xử lý vụ việc được.
Ngoài ra, tại thời điểm trình báo hai người này chỉ yêu cầu công an buộc những người đánh mình phải có trách nhiệm bồi thường tiền thuốc, không yêu cầu xử lý hình sự.
|
Clip hai hai ngư dân bị hành hạ trên biển đang gây phẫn nộ trong dư luận (ảnh cắt từ clip). Ảnh: HỮU ĐĂNG |
Trao đổi với PLO về những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này, Luật sư Nguyễn Thế Thọ (Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết dựa vào đoạn video có thể thấy những người tham gia đánh đập, tra tấn hai người đàn ông có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 BLHS.
Khoản 1, Điều 134 BLHS quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, với phụ nữ biết là có thai, có tính chất côn đồ...bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thì trong 9 trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại.
Như vậy, có thể hiểu rằng nếu tội phạm thuộc vào một trong 9 trường hợp nêu trên mà không có yêu cầu của bị hại thì vụ án không có căn cứ khởi tố vụ án. Trong 9 trường hợp này có trường hợp phạm tội theo khoản 1 Điều 134 BLHS (về tội cố ý gây thương tích và gây tổn hại sức khỏe của người khác).
Do đó, trong vụ ngư dân trên biển bị hành hạ, để xác định có căn cứ khởi tố vụ án về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hay không thì cơ quan công an cần tiến hành giám định tỷ lệ thương tật của hai bị hại để xác định có phạm tội thuộc khoản 1 Điều 134 BLHS hay không.
Trường hợp, kết quả xác định hành vi phạm tội không thuộc khoản 1 Điều 134 mà phạm tội theo khoản 2 trở đi thì dù bị hại không yêu cầu xử lý hình sự nhưng cơ quan công an vẫn khởi tố vụ án.
Bên cạnh đó, cơ quan công an có thể điều tra thêm để xác định có dấu hiệu của tội hành hạ người khác hay không. Tội này dù bị hại không đề nghị xử lý hình sự thì cơ quan công an vẫn khởi tố nếu có dấu hiệu tội phạm.
LS Thọ cũng cho biết thêm, trong trường hợp không xử lý hình sự thì hành vi của những người tham gia đánh hai ngư dân sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021.
Theo đó, người nào thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 5-8 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện hành vi còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài bị xử phạt hành chính, hành vi đánh người gây thương tích cho người khác còn có thể phải bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015.
Những thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị…